Lo việc học 2 buổi/ngày
Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc Tiểu học được thiết kế thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết. Thực tế, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 60.000 học sinh; riêng bậc Tiểu học hiện có hơn 650.000 học sinh, với số học sinh vào lớp 1 là trên 120.000 em. Để đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, hầu hết các trường đều tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Thống kê trong năm học này, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày bậc Tiểu học bình quân toàn thành phố mới đạt 73%, tuy nhiên có những quận, huyện đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 20%.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng, để đảm bảo toàn bộ học sinh được học 2 buổi/ngày như yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là một thách thức không nhỏ với thành phố, nhất là với những quận, huyện đang áp lực về gia tăng dân số cơ học, khó khăn về mạng lưới trường lớp.
"Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu dạy 2 buổi thì học sinh học 7 tiết/ngày, tổng cộng 35 tiết/5 ngày/tuần. Nếu chỉ dạy 1 buổi/ngày thì không thể đảm bảo được nội dung kiến thức cho học sinh. Mặt khác, tỷ lệ học sinh/lớp vượt cao so với quy định cũng là thách thức đặt ra với Thành phố" - ông Nguyễn Quang Vinh bày tỏ băn khoăn.
Một trong những địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học cao nhưng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học của Quận 12 mới chỉ đạt 20%, rất thấp so với bình quân chung của Thành phố. Trong khi đó, năm học 2020-2021, Quận 12 dự kiến có gần 11.000 học sinh vào lớp 1, cần có hơn 300 phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho số học sinh này, đáp ứng yêu cầu số học sinh/lớp là 35 em. Trong khi đó, số học sinh học xong lớp 5 trong năm học tới chỉ tương ứng với 122 phòng học; phân bố cũng không đồng đều giữa các phường.
"Phòng đang tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng thì sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 học sinh/lớp; nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng được sĩ số thì có thể tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy" - ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 chia sẻ.
Tương tự, tại các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao như Thủ Đức, Bình Chánh… cũng đang rất khó khăn trong việc đáp ứng phòng học để triển khai đúng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện Quận Thủ Đức mới có 49% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày; sĩ số bình quân 44 học sinh/lớp.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, giải bài toán tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 vào năm học tới là rất khó. Dù đang rất nỗ lực để đảm bảo cơ sở vật chất nhưng trong năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có thể có một số nơi của quận phải tổ chức cho học sinh học 6 buổi/tuần.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tỷ lệ phòng học/lớp bình quân của Thành phố là 0,9; chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (1 phòng/lớp). Tỷ lệ học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày mới đạt 73%.
Thông tin về công tác chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành giáo dục Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát cơ sở vật chất và tập huấn giáo viên cốt cán, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện Thành phố đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (mục tiêu đến 2020 là 300 phòng học/10.000 dân). Tuy nhiên tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện; một số quận, huyện có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày rất thấp. Đây là khó khăn, thách thức đặt ra khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Loay hoay tìm giáo viên
Thiếu và mất cân đối cơ cấu giáo viên là thực trạng lâu nay của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố hiện có hơn 21.500 giáo viên Tiểu học, tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp. Số giáo viên này chưa đáp ứng để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học (1,5 giáo viên/lớp).
Mặt khác, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, Thành phố thiếu trầm trọng giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Đặc biệt, điều này càng trở nên khó khăn khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu 2 môn tiếng Anh và Tin học là môn bắt buộc (từ năm học lớp 3), tạo áp lực lớn đối với Thành phố trong việc đáp ứng đủ số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên.
Nói về thực trạng này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 Khưu Mạnh Hùng cho biết, Quận rất khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và Tin học. Đơn cử, năm 2019 quận có nhu cầu tuyển dụng 11 giáo viên tiếng Anh nhưng chỉ tuyển được 3 vị trí, trong đó lại có 1 người không nhận nhiệm sở.
Còn ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh cho biết, hàng năm quận đều có nhu cầu tuyển giáo viên tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc nhưng thực tế rất khó tuyển dụng.
Sở dĩ việc tuyển giáo viên một số môn ở bậc Tiểu học khó khăn, nhất là giáo viên tiếng Anh là do quy định tuyển dụng còn bất cập như bắt buộc phải tốt nghiệp sư phạm; đặc biệt, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là một rào cản lớn, khi giáo viên bộ môn rất dễ tìm kiếm công việc khác với thu nhập cao hơn.
"Nếu không có chế độ đặc thù cho bộ môn tiếng Anh thì khó thực hiện được mục tiêu biết ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh là thế mạnh của người dân Việt Nam, như chủ trương chung đề ra" - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Văn Hiếu trăn trở.
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp với các đơn vị tập huấn giáo viên cốt cán; chuẩn bị bồi dưỡng đại trà cho toàn bộ giáo viên của Thành phố. Mặt khác, trên tinh thần đổi mới, từ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các trường đều chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học; qua đó giúp giáo viên làm quen, tránh bỡ ngỡ khi chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ như những năm qua. Cụ thể như, phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn đào tạo đủ nguồn bổ sung giáo viên các môn; đề xuất Sở Nội vụ thành phố có hướng dẫn tháo gỡ việc tuyển giáo viên môn Tin học.
Sở cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản cụ thể về định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, để các địa phương có căn cứ bổ sung vào vị trí việc làm đối với giáo viên Tin học và tiếng Anh; hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày để đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.