Nhiều sai phạm trong cấp phép chương trình, liên kết với các trường trong nước, nước ngoài, thu học phí không đúng quy định đã được làm rõ.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường thấy có một số khuyết điểm, vi phạm sau: Có 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa học vừa làm khi chưa được Bộ cấp phép như các trường: ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Vinh… Một số trường như: ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), ĐH Nha Trang… khi ký hợp đồng đào tạo với các đối tác đã không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, không mời giảng viên đánh giá kết quả các học phần.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, 15/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất cơ sở liên kết, danh sách giảng viên dự kiến tham gia giảng dạy và cán bộ tham gia quản lý lớp. Có 54/419 chương trình liên kết đào tạo có địa điểm đặt lớp không đúng quy định. 5 trường tuyển vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Riêng ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Thái Nguyên thực hiện liên kết đào tọa thạc sĩ ngoài trụ sở không có phép của Bộ. Riêng các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ của trường ĐH Vinh với ĐH Đồng Tháp và ĐH Sài Gòn tuy được Bộ GD - ĐT cho phép nhưng những việc làm này đã vi phạm quy định theo Nghị định số 32/2008/NĐ- CP của Chính phủ.
Kết luận thanh tra còn chỉ rõ liên kết đào tạo đại học và sau đại học với nước ngoài. Theo đó, trong quá trình kiểm tra hồ sơ 118 chương trình của 94 đối tác nước ngoài liên kết với 18 trường ĐH thì thấy hồ sơ, tài liệu của 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của ĐH Quốc gia Hà Nội có tới 16 chương trình không có đủ thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác, 13 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định, các chương trình liên kết quốc tế khác ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cấp phép bằng công văn khi các đơn vị trực thuộc có nhu cầu nhưng không xác định được số học viên/lớp, số lớp học/khóa học, có trường hợp chỉ xác định cho thí điểm chương trình.
Theo Kết luận thanh tra số 97/TBKL- TTCP, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều vi phạm trong liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học giai đoạn từ 2006 - 2010. Đặc biệt, Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Quá trình thanh tra tại đơn vị này, lãnh đạo ETC cố tình trì hoãn cung cấp tài liệu, thậm chí thu cất tài liệu đoàn thanh tra đang nghiên cứu...
Đặc biệt, trong số 94 đối tác nước ngoài liên kết đào tạo chỉ có 5 trường được xếp thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới về giáo dục và chỉ có số ít trường có thứ hạng còn lại hầu hết các đối tác liên kết chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng đứng thấp hơn các trường của Việt Nam. Do đó việc liên doanh, liên kết trong đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD - ĐT thanh tra toàn diện việc liên kết đào tạo quốc tế. ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm giám đốc trong việc ban hành nhiều văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị liên kết nước ngoài trái thẩm quyền; chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với một số đơn vị sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra...
Lê Vân