Nhiều chuyên gia khẳng định, để thu hút những người giỏi cần có môi trường học thuật, nghiên cứu và hơn cả là chính sách đãi ngộ và văn hóa tôn trọng ý tưởng của những người trẻ. Đặc biệt, cần trao quyền cho nhà tuyển dụng để họ có thể tuyển được những trí thức đảm bảo các yêu cầu của chính đơn vị đó.
Muốn giữ chân tiến sĩ trẻ thì môi trường làm việc khu vực nhà nước cần thay đổi. |
Thời gian vừa qua, câu chuyện của một giáo viên trường THPT Hà Nội Amsterdam từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Pháp thi trượt kỳ tuyển công chức của thành phố khiến dư luận có nhiều ý kiến. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, theo Nghị định 29/2012/NĐ - CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì thầy Đặng Minh Tuấn không thuộc đối tượng được ưu tiên. Theo quy định hiện nay tuyển giáo viên phổ thông lấy chuẩn đầu vào là đại học. Nếu là tiến sĩ, thạc sĩ sẽ được ưu tiên khi xếp bậc lương. Việc xét tuyển đặc cách, ưu tiên là phải đỗ thủ khoa được thành phố tuyên dương. Còn đã thi tuyển thì việc xét tuyển sẽ lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp.
Do trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là trường điểm của Hà Nội nên thi tuyển gồm có 2 phần xét hồ sơ, thi thực hành. Việc tính điểm dựa trên tổng điểm học tập và bài thực hành. “Theo quy định, những người có bằng cấp như ứng viên nêu trên không được ưu tiên gì. Ứng viên vào trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, ngoài soạn giáo án cho 1 tiết lên lớp, sẽ có thêm phần làm đề bài nâng cao ở mức độ khó như thi học sinh giỏi cấp thành phố hoặc quốc gia. Thực tế, điểm thi của ứng viên nêu trên chỉ đạt 60/100”, ông Nguyễn Quang Tuấn thông tin thêm.
Nhận định về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, Ủy viên Hội đồng khoa học, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng, việc một thạc sĩ học nước ngoài về, đã được nhà trường kiểm tra kiến thức để nhận hợp đồng, đã dạy đúng chuyên môn và nhu cầu của trường một số năm, nhưng lại trượt kì thi tuyển giảng viên (viên chức) là một ví dụ cho thấy, nội dung thi tuyển công chức có vấn đề, chưa hướng tới ưu tiên những thạc sĩ, tiến sĩ đã du học về từ nước ngoài.
“Qua sự việc trên cho thấy, ngoài vấn đề về nội dung thi, người đứng đầu đơn vị tuyển dụng không có quyền gì và đây là những bất cập cần khắc phục? Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Nội vụ làm sao hiểu được khả năng của một giáo viên dạy môn vật lý bằng tiếng Anh bằng chính Trưởng bộ môn hoặc Hiệu trưởng của trường đó?”, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả thu hút những thạc sĩ, tiến sĩ học ở nước ngoài về, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển cho rằng, cần có sự đổi mới trong công tác tuyển dụng nhân sự. Đó là phải giao quyền tự chủ cao cho những người đứng đầu các cơ sở tuyển dụng và hãy kỉ luật họ nếu họ vi phạm, vượt quyền.
“Ở nước ta, thi tuyển công chức vẫn được thực hiện theo quy chế. Mục tiêu của hình thức này là bảo đảm sự công bằng, khách quan trong quá trình tuyển dụng nhằm chọn người có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, qua nhiều năm và với một số hiện tượng, vụ việc xảy ra như công luận đã nêu cho thấy: Những quy định về tuyển dụng đã bộc lộ một số bất cập cần xem xét lại”, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển khẳng định.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, bất cập đầu tiên phải kể đến là các quy định trong thi cử chưa thật chú ý đến việc kỳ thi có thể tuyển được người tốt nhất gắn với một vị trí. Phần đạo đức nên xét theo cách khác. Thi để chọn vào vị trí nào thì kiến thức liên quan đến vị trí đó phải là ưu tiên quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, thực tế, tư tưởng “tranh quyền chức” còn ăn sâu vào tư tưởng một số cá nhân trong các đơn vị sự nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ chân những người thực sự có năng lực. Để thay đổi được điều này, cần sớm có chính sách thu hút đặc biệt với những tiến sĩ, thạc sĩ có năng lực thực sự; đồng thời, cần chú trọng xây dựng môi trường làm việc thật sự cạnh tranh, không phân biệt tuổi tác, địa vị.
Xuân Cường - Thu Phương