Đây là nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hoà và TS Nguyễn Lê Thu Hà, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Với phương pháp mới này, chỉ sau 70 phút cho toàn bộ quy trình (bao gồm cả tách chiết RNA và phản ứng khuếch đại) sẽ cho kết quả ngay. Trong khi đó, phản ứng RT - PCR thông thường phải mất 240 phút cho cả quy trình.
Được biết, giá thành sản xuất mỗi test của nhóm nghiên cứu là 350.000 đồng, trong khi đó giá sản xuất bộ test RT - PCR là 1 triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT - LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real - time RT - PCR).
Chia sẻ quy trình phát hiện chủng virus Corona mới (nCoV) từ mẫu bệnh phẩm, TS Lê Quang Hoà cho biết có 2 giai đoạn: Bước đầu tiên là tách chiết RNA: trong giai đoạn này, hạt virus có trong mẫu sẽ bị ly giải dưới tác dụng của dung dịch đệm tách chiết để giải phóng RNA của virus. Tiếp đó, dung dịch này sẽ được đưa qua cột silica để RNA bám lên cột. Sau quá trình rửa, RNA sẽ được hòa tan trong nước để được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo. Toàn bộ giai đoạn tách chiết RNA diễn ra trong vòng 30 phút.
“Bước tiếp theo là khuếch đại vùng gen đích của virus bằng kỹ thuật RT - LAMP. Đầu tiên RNA sẽ được phiên mã ngược thành DNA để thực hiện phản ứng khuếch đại LAMP dưới tác dụng của enzym Bts DNA polymerase và 6 mồi hướng đến 8 vùng trình tự đặc hiệu của chủng nCoV. Sau khi ủ ở 63ºC trong 30 phút, vùng trình tự gen đích này sẽ được khuếch đại đến hàng tỷ lần, kết quả là làm thay đổi màu dung dịch của phản ứng. Các mẫu dương tính có màu đổi từ hồng sang vàng trong khi đó mẫu âm tính vẫn giữ màu hồng. Quá trình chuẩn bị và thực hiện phản ứng LAMP diễn ra trong vòng 40 phút”, TS Lê Quang Hoà cho hay.
Phân tích về ưu điểm của bộ sinh phẩm này TS Lê Quang Hoà cho biết: Với quy trình không phức tạp và khả năng ứng dụng thì sản phẩm này có thể sử dụng tại các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, phát huy mạnh nếu dịch viêm đường hô hấp cấp có khả năng bùng phát thì chúng ta có khả năng khoanh vùng dịch, phản ứng cách ly vùng dịch đó.
Điều mong muốn lớn nhất hiện nay đối với nhóm nghiên cứu là sản phẩm được sớm đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Bộ sinh phẩm được xây dựng trên mẫu nghiên cứu, do đó để đảm bảo độ chính xác phải tách chiết từ bộ sản phẩm thực thì mới có kết quả so sánh. Nhóm nghiên cứu mong cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện để nhóm có thể hợp tác nghiên cứu tại các bệnh viện tuyến trung ương, tổ chức chuyên ngành có mẫu bệnh phẩm thực để tiến hành so sánh. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay.
Ý tưởng của nhóm nghiên cứu xuất phát từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc báo lên tổ chức Y tế thế giới có một số trường hợp viêm phổi không xác định nguyên nhân. "Từ những phân tích này, chúng tôi theo dõi chặt chẽ. Ngày 13/1, Trung Quốc công bố trình tự gen Corana virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, chúng tôi tiến hành so sánh trình tự và tiến hành thiết kế mồi. Sau Tết, chúng tôi triển khai tối ưu hoá được quy trình, đến nay đạt ược kết quả khả quan”, TS Lê Quang Hoà cho biết.
“Tuy nhiên để sản phẩm ứng dụng được phải được các điều kiện quy trình, văn bản tối ưu, chỉ trong vòng 10 ngày đến 2 tuần nữa thì bộ sinh phẩm áp dụng được ở bệnh viện tuyến huyện”, TS Lê Quang Hoà nói.
“Điều tôi hy vọng là sản phẩm lần này sớm được đưa ra ứng dụng trong cộng đồng. Vì nếu theo quy trình của Bộ Y tế sẽ có nhiều khâu và ràng buộc. Nhưng với sự diễn biến phức tạp và nhanh của dịch viêm đường hô hấp cấp, tôi mong thông tin chính xác đến được với cộng đồng, nhà khoa học để rút ngắn quy trính sản xuất này”, GS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nói.