Được sinh ra và lớn lên ở miền xuôi, tốt nghiệp sư phạm, các cô giáo trẻ sẵn sàng cùng tuổi thanh xuân của mình lên vùng cao “cắm bản” dạy chữ. Lòng mến trẻ và tình yêu mảnh đất vùng cao đã khiến họ gắn bó và ở lại nơi sơn thẳm, xây dựng quê hương mới, cần mẫn bám bản, bám trường để gieo mầm chữ cho con trẻ vùng cao...
Cô giáo người Kinh ở bản người Mông
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ sinh năm 19, quê thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, tháng 10/1991, cô tình nguyện lên với bản làng, với đồng bào dân tộc nơi vùng cao xã Điện Quan (Lào Cai) để dạy học.
Khi ấy Điện Quan còn hoang vắng và thiếu thốn trăm bề. Là nơi định cư của đồng bào Mông, đường đi lại khó khăn, điện lưới chưa có, nước sinh hoạt thiếu và điều quan trọng hơn là trình độ dân trí của Điện Quan còn thấp. Chính điều này đã làm nhụt chí những ai từng đến nhận công tác ở Điện Quan.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ trao học bổng cho học sinh nhân ngày khai giảng. |
Nhưng điều đó lại ngược lại với cô Huệ. Cô nhớ lại: Ban đầu cô được phân công dạy các lớp tiểu học ở trường phổ thông cơ sở xã. Ngày ấy, mô hình trường PTCS là mô hình trường có 2 cấp học là tiểu học và một số lớp cấp 2 (THCS bây giờ), thậm chí có năm học còn kèm thêm 1-2 lớp mẫu giáo, gọi là “trông trẻ” cho bố mẹ các cháu yên tâm đi làm. Có nhiều đêm, thầy cô giáo phải đến từng bản, từng nhà để vận động, dỗ dành các em nhỏ để các em tới trường lớp.
Trường chưa có điện lưới, lớp học thì tranh tre vách nứa, chỉ có một gian nhà cấp 4 của khu trung tâm. Đường xá đi lại khó khăn nhất là đoạn lên các bản vùng cao Cốc Nghè, Khao, Trang..., Xã Điện Quan cách trung tâm huyện hơn 20 cây số và có đường quốc lộ 70 nhưng hồi đó phương tiện cá nhân không có nên việc mỗi lần từ trường về Phòng Giáo dục công tác là cô Huệ phải đi bộ hoặc đi xe đạp, thậm chí “bắt” xe tải để đi nhờ.
Tiền lương cô giáo thời đó thấp, không đủ sống nên phải dựa vào sự đùm bọc, hỗ trợ của đồng bào dân tộc... Bên cạnh việc dạy học, giáo viên còn phải chăn nuôi gà vịt để cải thiện. Cuộc sống tinh thần cũng thiếu hụt.
Thiếu thốn và gian nan quá nên nhiều đồng nghiệp đã bỏ trường về xuôi hoặc xin lên vùng Lào Cai, Cam Đường, Bảo Thắng. Nhiều lúc tư tưởng của cô Huệ và giáo viên khác cũng đã lung lay. Nhưng rồi lại thương học trò còn thiếu chữ nên không đành bỏ về và thầy cô lại gắn bó với vùng cao cho đến tận bây giờ như một duyên nghiệp. Tháng 10/1996 cô được đề bạt làm phó hiệu trưởng trường PTCS với bao khó khăn gian, thiếu thốn. Đến tháng 10/2001 trường PTCS Điện Quan tách thành 2 trường Tiểu học và THCS, cô được đề bạt làm Hiệu trưởng trường THCS Điện Quan.
Hơn 20 năm cô Huệ đã gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của xã, trong những năm công tác giảng dạy dù làm giáo viên hay làm công tác quản lý tại trường học, chứng kiến từ lúc xã Điện Quan còn khó khăn trường lớp còn tạm bợ nhưng bằng nghị lực cô luôn luôn khắc phục khó khăn đưa công tác giáo dục của xã nhà ngày một phát triển.
Nhà giáo ưu tú của vùng cao
Đó là cô giáo Nguyễn Thị Ánh Điện (SN 1957), Nhà giáo ưu tú, giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Phố Ràng - Bảo Yên - Lào Cai.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê lúa Thái Bình, 16 tuổi, cô học sinh Nguyễn Thị Ánh Điện xin với bố mẹ cho đi học sư phạm tại huyện Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái. Khi ấy, lòng yêu nghề và mong muốn trở thành cô giáo đem con chữ cho vùng cao đã hình thành và trở thành động lực cho cô Điện phấn đấu học tập và rèn luyện. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô Điện “khăn gói” lên nhận công tác tại vùng cao Bảo Yên và gắn bó với mảnh đất này cho đến nay.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Điện (người thứ 3 từ trái sang phải) giao lưu với sinh viên trường Đại học kinh tế quốc dân tháng 11/2007 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. |
Khi đặt chân đến “miền đất có hai dòng sông”, Bảo Yên khi ấy vẫn còn hoang vu lắm. Nhà cửa thưa thớt, đường xá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Lúc đầu nhận công tác, cô Nguyễn Thị Ánh Điện trải qua nhiều năm công tác ở các xã xa của huyện. Bàn chân cô đã từng đặt đến như Mai Đào Thượng Hà, Kim Sơn, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Trung tâm giáo dục Thường xuyên huyện…. Đèo cao, suối sâu, phương tiện duy nhất để đến trường là “quốc bộ”, muốn học trò đến trường phải vận động thường xuyên rồi gần dân hơn để cho dân hiểu ích lợi của cái chữ. Vì thế cô Điện đã từng ở lại cùng ăn, cùng ở nhà của bà con dân bản, trưởng bản, già làng, phụ huynh học sinh, từng cùng với học trò lên rừng hái măng, hái rau dớn, bắt cá suối để cải thiện bữa ăn.
Năm 1983, cô Điện về công tác tại trường Tiểu học số 2 thị trấn Phố Ràng và gắn bó với ngôi trường này từ đó đến nay. Với cô, trường học giống như ngôi nhà thứ hai của mình nên cô gắn bó và dày công vun đắp, đồng nghiệp và học trò giống như người thân của mình nên cô đoàn kết, yêu thương và chia sẻ. Ý thức được vai trò, trách nhiệm và lương tâm nhà giáo, trong suốt những năm công tác tại trường Tiểu học số 2 Phố Ràng, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Điện luôn gương mẫu về mọi mặt như phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và ý thức nghề nghiệp. Nhiều năm liền liên tục, cô được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen là giáo viên dạy giỏi, nhiều sáng kiến của cô được xếp hạng sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Cô đã vinh dự được trao tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp giáo dục, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng đối với cô, sự thành đạt của học trò mới là quà tặng vô giá: Nhiều học trò của cô đã đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Cô giáo ở lại bản Dao
Đó là cô giáo Nguyễn Thị Bình, giáo viên phụ trách phân hiệu trường mầm non xã Quân Khê (Hạ Hòa - Phú Thọ), người mà hơn 20 năm nay miệt mài “cắm bản” để ươm mầm chữ cho những đứa trẻ người Dao và người Kinh ở khu B heo hút và xa trung tâm. Bọn trẻ nơi đây coi cô Bình như mẹ hiền của chúng.
Lớp học của cô Bình tại phân hiệu Trường mầm non Quân Khê (Phú Thọ). |
Cách đây 20 năm (năm 1989), do điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên phân hiệu B trường Mầm non Quân Khê đã được thành lập cách trung tâm chừng 7 km. Khi ấy cô Bình còn rất trẻ, với lòng yêu nghề, sự nhiệt tình của tuổi trẻ cộng với những trăn trở về sự nghèo khó của quê hương, cô đã xung phong về đây nhận công tác. Lúc đó, nơi đây chỉ là một mảnh đất rất hoang vu, rậm rạp, điều kiện cơ sở vật chất chồng chất khó khăn, dường như chẳng có gì ngoài lớp học là nhà lá lợp tạm do dân bản 4 dựng lên giữa một vùng đất hẻo lánh ít người qua lại.
Không quản ngại khó khăn, cô Bình đã đến từng nhà dân tuyên truyền chủ trương của xã và nhà trường trong việc mở lớp học mầm non tại bản. Cô thông báo kế hoạch học tập đến từng gia đình và vận động họ cho con em đi học. Để các bé thích thú với việc đến trường, cô luôn chú ý đến việc dọn dẹp và làm đẹp khu lớp học. Dần dần, bãi đất hoang trở thành một vườn hoa đẹp. Các cháu mới đến tuổi ra lớp còn nhút nhát lắm, như một người mẹ hiền, cô Bình đã gần gũi, ân cần vỗ về các cháu, giúp các cháu vượt qua sự e dè, sợ sệt. Những hôm trời mưa to, cô đến tận nhà cõng các cháu qua suối đến trường, hết buổi học lại đưa các cháu về. Với tình cảm yêu thương học trò sâu sắc, hình ảnh cô đã in sâu vào tâm hồn trẻ thơ, chúng coi cô như người mẹ hiền thứ hai của mình. Trường còn nghèo, đồ chơi và phương tiện dạy học còn thiếu thốn nên ngày thì lên lớp, tối về cô Bình lại cặm cụi bên ngọn đèn dầu gập, cắt, những thứ đồ chơi cho buổi học ngày mai. Trong giờ học, cô luôn chủ động và linh hoạt tổ chức nhiều trò chơi cho các cháu với những trò chơi dân gian, hát đồng dao rất bổ ích.
Tròn 20 năm cô Bình gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó và lớp học mầm non thân thương này, khó lòng có thể kể hết được những vất vả, nhọc nhằn mà cô đã phải trải qua để có được một phân hiệu khang trang và đẹp đẽ như hiện nay. Bước vào tuổi 40 nhưng cô Bình vẫn luôn trẻ trung, sôi nổi và nhiệt huyết với tấm lòng tràn đầy sự mến trẻ. Hai mươi năm bám trường, bám lớp, biết bao lớp trẻ em của cô Bình đã trưởng thành từ nơi đây. Chúng đã được ươm mầm từ bàn tay của một cô giáo có tấm lòng yêu nghề mến trẻ đến tha thiết.
Nguyễn Thế Lượng