Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc giữ vững chất lượng đào tạo đại trà, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn đã làm cho Hà Nội phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm giáo dục đào tạo lớn, đứng đầu của cả nước, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của thành phố Hà Nội và cả nước.
Đánh giá cao công tác phát triển hội nhập quốc tế của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành phố đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó công tác giáo dục con người, lấy con người làm trung tâm cần phải được quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng giáo dục theo hướng ngày càng phát triển, chú trọng hội nhập quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành; tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, lắng nghe, tiếp thu thông tin của xã hội để gạn lọc, điều chỉnh trong quá trình thực hiện, tạo sự đồng thuận của xã hội trong phát triển con người và đào tạo nhân lực.
Năm 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học trên toàn thành phố, quan tâm đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho khu vực thiếu trường, thiếu lớp học.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư trường học trong các khu vực đô thị hóa, đôn đốc tiến độ các dự án xã hội hóa xây dựng trường học và tiếp tục quan tâm xây dựng 100 trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác hội nhập quốc tế tiếp tục được chú trọng thực hiện. Công tác thi, tuyển sinh và tổ chức phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, kế hoạch tuyển mới 2019 - 2020 được ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng quy chế của Bộ, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan; đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh; 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở dạy nghề có tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Toàn ngành tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng chuẩn bị các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chỉnh lý, bổ sung, cập nhật bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội, hoàn thiện và tổ chức dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông để tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Bên cạnh đó, Sở tích hợp các chương trình giáo dục nhằm giảm thiểu môn học, tăng các môn học về văn - thể - mỹ, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học... Đặc biệt, để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng xâm hại, bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên về tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm; chủ động phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương quản lý, giám sát học sinh; xử lý nghiêm cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm, bảo đảm kịp thời, chính xác, công bằng theo quy định.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã nêu một số bất cập hiện nay như: Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị cao tầng có dân số tập trung đông còn thiếu trường mầm non công lập. Tại các trường mầm non còn thiếu nhân viên kế toán, nhân viên y tế.
Phòng tư vấn tâm lý tại trường học còn thiếu giáo viên chuyên trách nên hoạt động tư vấn tâm lý tại các trường còn chưa hiệu quả. Thành phố cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư cùng tham gia vào công tác giáo dục chung…
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh. Trong đó, trường công lập có 43.911 nhóm lớp và trường tư thục có 14.511 nhóm lớp.
Năm 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được những kết quả toàn diện. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời.
Ngành cũng thực hiện nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao...
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô còn những tồn tại, hạn chế như tình trạng thiếu trường, lớp cùng với việc tăng dân số cơ học cục bộ ở một số địa bàn đã gây áp lực cho công tác tuyển sinh; vẫn còn học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tình trạng xâm hại, bạo lực học đường...