Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư 05 là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể về yêu cầu và quy trình thực nghiệm sách giáo khoa. Theo đó, đối với mỗi bản mẫu sách giáo khoa, lựa chọn các bài học để tổ chức thực nghiệm mang tính đại diện về loại bài, thể hiện điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Các đơn vị tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại.
Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai.
Cơ sở giáo dục phổ thông được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền; lớp có học sinh được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm thuộc khối lớp học sách giáo khoa được thực nghiệm. Việc dạy thực nghiệm thực hiện đối với học sinh toàn lớp vào thời điểm phù hợp với năng lực của học sinh.
Giáo viên dạy học và giáo viên dự giờ dạy thực nghiệm là những người đang trực tiếp dạy học môn học có sách giáo khoa được thực nghiệm. Mỗi tiết dạy thực nghiệm bảo đảm có ít nhất 3 giáo viên dự giờ và tham gia góp ý bài học thực nghiệm.
Ngoài ra, Thông tư 05 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa. Theo đó, trong quá trình sử dụng, sách giáo khoa có thể được chỉnh sửa.
Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa. Trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa (kèm theo Thông tư số 05) gồm: Điều kiện tiên quyết của sách khoa; nội dung sách giáo khoa; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa; cấu trúc sách giáo khoa; ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa, hình thức trình bày sách giáo khoa.