Làm sao để có một mùa hè vui vẻ, thiết thực và bổ ích cho trẻ, đó là ước mong chính đáng của nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, mong muốn này có được đáp ứng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phụ huynh cũng như nhà quản lý các khóa học hè đóng vai trò quan trọng.
Thực tế cho thấy nhiều bậc phụ huynh tìm đến những khóa học hè, các trung tâm, các khóa học kỹ năng vẫn còn nặng tâm lý “gửi con”. Bà Trà Mi, Học viện Anh ngữ EQuest cho biết: Mùa hè năm nay, học viện mở một khóa học tiếng Anh mang tên “Colorful summer “ có hình thức bán trú. Đã có hơn 50 phụ huynh đăng ký cho con tham gia. Nhưng trong số này tâm lý “gửi trẻ” của phụ huynh chiếm khá nhiều. Đa số đều lựa chọn địa điểm gần nhà, có ô tô đưa đón và không bị vướng bận thời gian. Chỉ một số rất ít gia đình có yêu cầu chương trình học mang lại hiệu quả về mặt kiến thức.
Một khóa học trong nông trại của Công ty Cleverkids mang lại nhiều trải nghiệm thực tế được nhiều phụ huynh quan tâm. |
Theo bà Vũ Thu Hương, thuộc khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, trước đây, khi còn học 1 buổi/ngày, trẻ em có những kỹ năng như nấu bếp, trông nhà, dọn dẹp tốt hơn. Hiện nay, khi học 2 buổi/ngày, các kỹ năng này của trẻ dường như kém hơn bởi cha mẹ có tâm lý phó mặc cho trường học mà chưa quan tâm tới việc dạy trẻ ở nhà. “3 tháng hè cha mẹ lại tìm cách chuyển con đến bốn bức tường ở các trung tâm kỹ năng sống, học tiếng Anh, nghệ thuật, các môn thể thao... Cần phải lưu ý, việc cho con học kỹ năng sống ở trung tâm nhưng về nhà cha mẹ không phối hợp cùng thì khó có hiệu quả mong đợi”.
“Phụ huynh đừng nghĩ đi du học hè là con được dịp học mà chơi thông qua trải nghiệm. Cần phải chuẩn bị tâm lý rất kỹ càng và tôn trọng ý kiến của con. Tiếp đó là có kiến thức nhất định về các trung tâm du học, thậm chí, tìm hiểu các đơn vị tiếp nhận nơi con đến du học hè” Bà Dương Trà Mi, Giám đốc đào tạo EQuest Junior |
Trên thực tế, hiện nhiều phụ huynh quan tâm đến các kỹ năng mềm nhiều hơn là kỹ năng sinh tồn, như thoát hiểm. Những kỹ năng sống thực chất, làm sao an toàn, hiệu quả thì nhiều phụ huynh chưa biết hoặc chưa chú trọng trang bị cho con, thay vào đó có tâm lý nặng về kiến thức. Ví dụ, nhiều phụ huynh đổ xô cho con đi học, đi luyện tiếng Anh.
Tránh chạy theo phong trào
Theo các giáo viên, nhà tâm lý giáo dục, trước mỗi khóa học, mỗi chương trình, cha mẹ phải là người tìm hiểu và có kiến thức đa chiều. Không chỉ vì phong trào hoặc quá kỳ vọng vào sự thay đổi vượt bậc của con thông qua chỉ 1 - 2 tháng hè. Một giáo viên dạy ngoại khóa tại trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội cho rằng “Cha mẹ chính là người thầy tận tụy nhất của con. Do đó, dù là học hè, hãy đầu tư thời gian thêm cho con để mùa hè thực sự có ý nghĩa cho con”.
Theo bà Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), cha mẹ hãy ưu tiên những khóa học mang tính trải nghiệm, học ngoài trời, chuyên dạy về kỹ năng sống tự lập, sinh tồn, tự vệ... Những khóa học này bên cạnh dạy kỹ năng còn có rất nhiều hoạt động bổ ích, vui nhộn... giúp trẻ được thư giãn, nghỉ ngơi. Cha mẹ cũng cần theo sát khóa học, luôn động viên, khích lệ những thay đổi của con và thực hành cùng con khi ở nhà. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên sắp xếp lịch nghỉ phép để cả nhà cùng nhau đi du lịch hoặc hướng dẫn con những điều mới lạ, dạy con về kỷ luật, tự lập và ý thức nơi công cộng.
Về thực tế hoạt động của các trung tâm ngoại khóa, công ty du học, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD - ĐT cho rằng, sự đa dạng của khóa học hè cho thấy nhu cầu phát triển rất cao. Mặc dù đa số vẫn là hình thức kinh doanh nên dựa vào thỏa thuận giữa phụ huynh và trung tâm là chính, nhưng các địa phương cũng có trách nhiệm trong việc cấp phép, kiểm tra hoạt động. Bộ GD - ĐT luôn khuyến khích dạy về các kỹ năng thoát hiểm dạy trong dịp hè, nhưng thực tế chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Do đó, để có những khóa học hè chất lượng, hiệu quả cho trẻ vẫn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và nhận thức của mỗi phụ huynh.