Tạo thói quen
Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh cùng hành động bảo vệ môi trường.
“Không sử dụng, xả thải những vật làm bằng nilon ra môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện đổ rác đúng nơi quy định, duy trì việc vệ sinh phòng học và tổng vệ sinh toàn trường hàng tuần", ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Tinh thần này đã lan tỏa đến nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội trong những ngày đầu tựu trường. Em Nguyễn Minh Ngọc (lớp 1, trường Tiểu học Archimedes, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cô giáo dặn lớp con không bọc vở bằng nilon, mỗi bạn sẽ chuẩn bị bình uống nước riêng khi đến trường”.
Nói là làm, Minh Ngọc cùng mẹ đến nhà sách Hồng Hà gần nhà để mua bộ sách giáo khoa, tập vở, giấy bọc sách theo yêu cầu của nhà trường. Mẹ Minh Ngọc cho biết: “Dù việc bọc vở bằng giấy có nhiều công đoạn hơn so với việc lồng bằng nilon nhưng tôi như được trở về tuổi thơ của mình. Mặt khác, việc làm này góp phần làm giảm rác thải nhựa ra môi trường”.
Khi nhận được sách giáo khoa, Minh Ngọc cùng mẹ phân loại sách cần bọc và viết nhãn vở. Nhiều quyển có sẵn nhãn vở, Minh Ngọc nói với mẹ không cần phải bọc thêm để hạn chế sử dụng giấy bọc.
Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đều hướng tới tạo môi trường học thân thiện bằng những hành động cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Năm học mới này, trường thông tin tới gần 600 học sinh các lớp về việc không mang bóng bay trong ngày khai giảng. Chương trình đón học sinh lớp 1 sẽ sử dụng cờ và hoa vải. Sau đó, cờ và hoa sẽ được tái sử dụng trong các buổi biểu diễn, sinh hoạt sân khấu của nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Xuân Mai cũng cho biết: “Không phải năm nay nhà trường mới thực hiện việc hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường. Ngay cả những dịp đi tham quan, dã ngoại của học sinh, nhà trường không sử dụng nước đóng chai, cốc dùng một lần”.
Là một trường công lập có cơ sở vật chất rộng rãi, bề thế tại khu vực Cầu Giấy, trường Tiểu học An Hòa cũng thực hiện nội dung “Chống rác thải nhựa”. Cô Nguyễn Công Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Đây là thời điểm đầu năm học, phụ huynh, học sinh sẽ chuẩn bị sách cho năm học mới. Nhà trường yêu cầu phụ huynh, học sinh không bọc sách, vở bằng giấy nilon như mọi năm. Hiện nay, sách giáo khoa bìa cũng cứng và khá đẹp. Những dụng cụ trong sinh hoạt, ăn uống của học sinh được nhà trường làm hoàn toàn bằng inox như: Cốc uống nước, khay ăn cơm...
Theo ghi nhận, 100% các trường tiểu học đều cam kết với Sở GD&ĐT Hà Nội là không sử dụng bóng bay, bắn pháo bông trong dịp khai giảng như mọi năm. Thay vào đó, trường khuyến khích phụ huynh chuẩn bị lá cờ cho học sinh. Không chỉ ở những trường tiểu học, khối mầm non cũng được nhiều lãnh đạo trường học thực hiện.
Tại trường Mầm non Montessori Choco House Hà Nội, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thay vì sử dụng sữa chua hộp (1 bạn/1 hộp của Vinamilk hay TH True Milk, Ba Vì) thì chuyển sang dùng sữa chua đóng chai. Mỗi chai dùng được cho cả lớp. Chai sau khi dùng tận dụng làm lọ cắm hoa hoặc lọ đựng nước uống.
Cô Đặng Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ví dụ, thay vì 20 em bé thải ra 20 hộp sữa chua và 20 thìa nhựa, mỗi ngày trường chỉ bỏ đi 1,5 chai nhựa và được tận dụng sử dụng lại. Đồng thời, trường sử dụng sữa hạt thay thế cho sữa bò. Các con dùng cốc cá nhân để uống sữa. Trường dùng túi đựng quần áo bẩn thay vì dùng túi bóng đựng quần áo mỗi ngày. Túi này may bằng vật liệu chống nước, có dây rút lại, rất vệ sinh lại không gây mùi ra balo của các con.
“Trường cũng triệt để không mua chai Lavie, Aqua (0,5 lít hoặc 1,5 lít) đựng nước mỗi lần cho các con ra ngoài chơi, thay vào đó là mang nước ở nhà đi. Trường cũng không dùng thìa đĩa nhựa cốc nhựa 1 lần, mỗi dịp đưa các con ra ngoài đi picnic hoặc đi cắm trại”, cô Đặng Thị Xuân Dung nói.
Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng trường mầm non An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội ước tính, nếu mỗi ngày, mỗi học sinh ăn một hộp sữa chua thì có 670 hộp nhựa thải ra môi trường. Để hạn chế việc làm này, nhà trường đã đặt hàng nhà sản xuất, đổi các hộp sữa chua nhựa sang những chiếc cốc inox.
Thành bài học ý nghĩa
Từ thói quen sử dụng đồ dùng cá nhân hàng ngày, theo các giáo viên, để trẻ em, học sinh ý thức hơn nữa cần đúc kết cho học sinh thành những chủ đề các môn học.
Cô Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Từ việc yêu cầu học sinh thực hiện trong nếp sinh hoạt, trường cũng tuyên truyền cho học sinh hiểu biết thông qua lồng ghép vào các môn học như: Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội, Đạo Đức, thậm chí cả môn Toán học. Khi được trải nghiệm thực tế, học sinh rất hào hứng khi bàn đến chủ đề này “nói không với rác thải nhựa” này.
“Nhiều học sinh trong trường cho biết, gia đình các con đã dùng chiếc túi vải để đi chợ thay vì lấy túi bóng như trước đây. Điều này có nghĩa, bài học về nói không với rác thải nhựa đã đến được với học sinh và lan tỏa sang cả gia đình”, cô Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ.
Thậm chí, một số trường học tạo môi trường lao động tập thể cho học sinh trong việc phân loại rác thải, dọn vệ sinh trường lớp, khu vực lân cận.
Cô Nguyễn Công Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hòa, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Hàng tuần, vào thứ sáu, trường có hoạt động sinh hoạt tập thể, các học sinh có thời gian để tự dọn vệ sinh lớp học, sân trường. Thầy cô giúp học sinh phân loại rác thải. Tuyên truyền tới người dân khu vực lân cận trong việc nói “không với rác thải nhựa”.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Thói quen sử dụng đồ nhựa đã trở thành trào lưu, không thể thay đổi ngày một ngày hai. Do đó, phải thay đổi từ những việc làm nhỏ nhất và phải kiên trì vận động, thuyết phục từ nhà trường đến gia đình. Ở bậc học nhỏ hơn, trẻ em được tiếp cận với những hình ảnh, triển lãm về tác hại của rác thải nhựa gây ra.
Lãnh đạo các trường học đều cho rằng phong trào không dừng lại ở khẩu hiệu mà phải thông qua các việc làm thiết thực trong lớp học, nhà trường. Qua đó, lồng ghép với các môn học, buổi học trực quan như dã ngoại, tham quan, triển lãm thì học sinh mới “thấm” được.