Năm học mới đã cận kề nhưng cô trò trường mầm non xã Liên Hồng (Gia Lộc) vẫn canh cánh nỗi lo. Cô giáo hiệu trưởng Phạm Thị Luyến cho biết toàn bộ cơ sở vật chất các lớp học vốn đều được tận dụng, kế thừa từ các nhà kho, nhà văn hóa thôn để lại, đến nay đã xuống cấp. Khắc phục khó khăn, cô giáo và phụ huynh đều đã khẩn trương sửa sang trường lớp đón học trò.
Những lớp học trên nền nhà kho
Trường mầm non Liên Hồng hiện có 6 điểm trường, đặt tại 5 thôn và đã xuống cấp, thường xuyên phải tu sửa. Cơ sở vật chất phục vụ dạy học tại đây hầu hết đều thiếu thốn, đồ chơi ngoài trời còn nghèo nàn.
Điểm trường chính được đặt tại thôn Thanh Xá là thôn đông dân cư nhất của xã. Diện tích khuôn viên điểm trường này rộng nhất với khoảng 1.000 m2, chia thành 7 lớp học từ nhà trẻ đến mầm non. Đây là điểm trường được thừa hưởng nhà kho của hợp tác xã. Phòng học so với yêu cầu vẫn còn chưa đáp ứng được. Đáng chú ý có phòng cho nhóm trẻ 3 tuổi với 28 trẻ chỉ gói gọn trong diện tích… trên 10 m2. “Những hôm có giờ học tạo hình thì phải đưa các con ra ngoài sân mới có đủ chỗ để học. Còn đến giờ ngủ trưa, chúng tôi phải mượn phòng bên cạnh cho các con ngủ vì phòng quá chật”, cô Phạm Thị Sáng- giáo viên chủ nhiệm lớp thở dài.
Thiết bị dạy học thì các cô giáo có thể khắc phục được và đảm bảo nhưng đồ chơi ngoài trời phục vụ vui chơi cho trẻ thì không điểm trường nào có sân chơi đủ 5 loại đồ chơi. Điểm trường tại thôn Cao Bộ không có, còn ở Đồng Lại bị hư hỏng. Ở các điểm trường còn lại, mỗi nơi chỉ có không quá 3 món đồ chơi thì lại đều đã được trang bị từ hơn 6 năm nay.
Vì là điểm trường chính nên phòng Ban Giám hiệu cũng đặt tại đây. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo viên cũng thiếu thốn. Phòng họp chuyên môn kiêm phòng làm việc của 1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó, kế toán. Trời mưa, căn nhà vẫn bị dột ở góc. Nhà vệ sinh cho khu vực Ban giám hiệu hiện vẫn chưa có kinh phí xây.
Còn tại điểm trường ở thôn Phú Triều, các cô giáo nơi đây đang thấp thỏm với phòng học mưa dột. Theo lời cô giáo Nguyễn Thị Doán, đây là điểm trường được cải tạo từ Nhà văn hóa thôn Phú Triều. Điểm trường hiện có 3 phòng học cho các cháu nhà trẻ, lớp 3 tuổi và lớp 4 tuổi. Có 54 trẻ ở bán trú. Trừ phòng học cho lớp 3 tuổi mới được xây năm 2013, hai phòng còn lại đều xuống cấp. Mặc dù có trần nhựa nhưng bên trong, lớp kèo gỗ sát mái đã bị mối mọt, hễ trời mưa to là dột, cô trò dắt díu nhau chạy các góc. “Chúng tôi thường theo dõi thời tiết để nếu thấy mưa kèm theo gió lớn thì nhắc gọi phụ huynh bố trí đón trẻ về sớm”, cô Doán kể. Lớp học của nhóm nhà trẻ có 3 lối cửa thì 2 bộ cánh cửa thường xuyên phải khóa vì bản lề đã bị hỏng, chỉ sợ cánh cửa sắt sẽ long ra và đổ bất cứ lúc nào. Chỉ tay lên cái mái lợp bro xi măng phía ngoài sân chơi, các cô giáo giải thích: chỗ này ban đầu thiết kế là để bố trí cho trẻ ngồi ăn mùa hè cho mát nhưng từ khi thấy các kèo gỗ bị mục, không dám cho các cháu ra ăn ở ngoài này nữa.
Từng bước khắc phục khó khăn
Hiện nay trường mầm non Liên Hồng là trường hợp duy nhất của tỉnh Hải Dương chưa hoàn thành phổ cập mầm non. Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Liên Hồng cho biết toàn xã hiện có 21 nhóm lớp trong độ tuổi mầm non, có 36 giáo viên mầm non trong tổng số 6 điểm trường mầm non tại 5 thôn. Nói về điều kiện cơ sở vật chất của trẻ mầm non ông Hiến cho biết: “Cơ sở vật chất hiện đã xuống cấp trầm trọng. Hàng năm xã đều đầu tư trung bình khoảng 100 triệu đồng cho các điểm trường sửa sang, còn nguồn kinh phí lớn để xây mới thì không đủ sức. Mỗi lần sửa chỉ mang tính chắp vá”.
Theo cô Nguyễn Thị Luyến, năm nào địa phương cũng phải đầu tư để tu sửa. Năm học 2010 - 2011, huyện Gia Lộc cấp kinh phí 150 triệu đồng để sửa tường, đảo ngói, lợp mái bờ rô xi măng. Năm 2012, xã cũng đầu tư 200 triệu, năm 2013 đầu tư 85 triệu đồng. Tuy nhiên, kinh phí chỉ đủ sửa kiểu vá víu.
Mỗi năm, trước ngày khai giảng năm học mới, cô giáo của trường lại tích cực công tác chuẩn bị tân trang lại lớp học. Đầu tháng 8, các cô giáo điểm trường Phú Triều đã quét vôi cho 3 phòng học trông sáng sủa hơn, đỡ rong rêu, cũ kỹ. Với những chỗ bị dột, tường bị tróc vữa và ẩm, các cô cũng huy động phụ huynh và được phụ huynh tích cực chung tay giúp đỡ. “Với mong muốn con mình được học trong những phòng học sạch sẽ, khô ráo, các bậc phụ huynh rất nhiệt tình. Cách đây mấy năm, khi cải tạo vườn chuối để biến nó thành sân chơi cho các con, các phụ huynh đã hỗ trợ nhà trường rất lớn”, cô Doán cho biết. Hiện nay, các cô giáo cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ của phụ huynh để bổ sung dần các loại đồ chơi cho trẻ.
Thống kê của trường mầm non Liên Hồng cho thấy, toàn xã có 1.019 trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng chỉ có 428 trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ 42%. Nói về nguyện vọng trước thềm năm học mới, cô Nguyễn Thị Luyến chia sẻ: “Trường đã đặt mục tiêu sẽ đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Hiện nay về điều kiện giáo viên, thiết bị dạy học đều đã bảo đảm. Cô trò chúng tôi chỉ mong xã sớm xây được điểm trường chính với quy mô 16 phòng học và duy trì 2 điểm trường lẻ cho nhóm tuổi nhà trẻ. Có như thế mới khắc phục được cơ sở vật chất hiện nay”. Trong quy định, trường chuẩn quốc gia không quá 3 điểm trường nhưng hiện trường mầm non Liên Hồng đang có tới 6 điểm.
Theo Ủy ban nhân dân xã Liên Hồng, xã đã có quy hoạch xây điểm trường tập trung, tuy nhiên, vẫn đang chờ Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Ông Hiến lý giải: “Do nguồn kinh phí có hạn, chúng tôi không thể đầu tư dàn trải. Giai đoạn này xã đang dồn tập trung cho trường Trung học phổ thông để trường đạt chuẩn quốc gia năm nay nên việc xây trường mầm non còn phải chờ sau”. Trong thời gian chờ đợi, các cô trò tại các điểm trường vẫn đang từng ngày tự khắc phục khó khăn để đảm bảo chất lượng dạy học.
Mạnh Minh