Chương trình “Học sinh nói không với đồ uống có cồn” đối với học sinh trung học phổ thông trong cả nước là một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương, định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong năm học 2019 - 2020.
Chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn ở tuổi vị thành niên với thông điệp “Học sinh nói không với đồ uống có cồn”; mong muốn học sinh nói riêng và các bạn trẻ nói chung, hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật, chủ động phòng chống lạm dụng bia, rượu. Từ đó học sinh sẽ lan tỏa thông điệp tới gia đình, bạn bè, cộng đồng và hình thành hành vi đúng mực, lối sống lành mạnh trong xã hội.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “ Chương trình “Học sinh nói không với đồ uống có cồn” là một trong những sáng kiến của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ, ngành liên quan. Chương trình này sẽ được phát động trong toàn quốc trong thời gian tới để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lứa tuổi đang hình thành nhân cách, lối sống giúp các em có hành vi ứng xử đúng đắn cho bản thân và cộng đồng, bảo vệ các em về mặt thể chất và trí tuệ, đảm bảo việc học tập, giảm thiểu những tác động tiêu cực do lạm dụng bia, rượu”.
Cũng tại lễ phát động, 5 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ký cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh về an toàn giao thông, trong đó có quy định mức xử phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông...
Sau lễ phát động, Ban Tổ chức đã tổ chức tập huấn kiến thức liên quan đến tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn ở trẻ vị thành niên cho giáo viên nòng cốt của các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.