Phát triển năng lực học sinh nông thôn từ văn hóa đọc

Hơn 3 năm kiên trì triển khai chương trình Tủ sách Phụ huynh, thầy và trò trên địa bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bắt đầu gặt hái thành quả nhờ đầu tư vào văn hóa đọc.

Em Phạm Thị Thanh Hòa, một trong những học sinh được thụ hưởng mô hình Tủ sách Phụ huynh.

Chúng tôi có mặt tại trường Tiểu học xã Thụy Phong một buổi sáng những ngày gần cuối năm để tìm hiểu về hiệu quả của mô hình xây dựng tủ sách lớp học. Với các đầu sách thuộc nhiều thể loại truyện, tiểu thuyết, kĩ năng sống, sách giáo khoa, mỗi một Tủ sách Phụ huynh (TSPH) đứng ngay ngắn trong một lớp học để kích thích trẻ đọc sách. Em Phạm Thị Thanh Hòa, học sinh lớp 3A tiết lộ, em thích đọc tất cả các loại sách có trong TSPH. Những câu chuyện đã đọc qua, đã viết cảm nghĩ, em đều trao đổi với bạn bè và gia đình.

Vừa học vừa làm

Đầu năm 2013, với mục tiêu thay đổi văn hóa đọc của học sinh và giáo viên địa phương, đồng thời phát huy tính ưu việt của tủ sách lớp học so với mô hình thư viện truyền thống, trường Tiểu học xã Thụy Phong và THCS Thụy Liên nhận tủ  sáchtừ chương trình “Sách hóa nông thôn”, bắt đầu triển khai TSPH.

Theo ông Nguyễn Văn Chanh, nguyên hiệu trưởng gắn bó cùng chương trình TSPH, với 2 tủ sách ban đầu trị giá 2,35 triệu  đồng/tủ, đến nay trường Tiểu học xã Thụy Phong đã xây dựng 21 tủ sách/21 lớp học. Mỗi tủ sách trị giá 4,8 triệu đồng, bao gồm sách và tủ. 50% kinh phí được trích từ ngân sách nhà trường, 50% còn lại kêu gọi theo mô hình xã hội hóa giáo dục. Nguồn sách thư viện nhà trường cũng được huy động để làm phong phú thêm TSPH.

Cô Bùi Thị Minh Tuyết, cán bộ thư viện Tiểu học xã Thụy Phong chia sẻ: “Những ngày đầu triển khai, chúng tôi rất bỡ ngỡ. Giáo viên rất ngại vì phải quản lý thêm tủ sách, trong khi học sinh cấp 1 hay làm mất, rách sách. Học sinh nông thôn lại không có tiền mua sách… Nhưng đồng chí hiệu trưởng chỉ đạo ta cứ làm, mất cũng được, cốt là học sinh đọc được sách”.


Một mặt vừa chủ động kêu gọi đóng góp từ doanh nghiệp, hội phụ huynh, thầy cô và những người con xa quê, mặt khác nhà trường dần đưa văn hóa đọc sách, giữ sách thâm nhập vào các hoạt động của học sinh, từ hoạt động kể chuyện giờ sinh hoạt lớp, kể chuyện chào cờ sáng thứ hai trước toàn trường, hay các hoạt động kể chuyện, văn nghệ, viết cảm nhận, hội chợ trên nhiều quy mô lớn nhỏ.


Khi các tổ thư viện lớp do chính học sinh đảm nhận bắt đầu hoạt động hiệu quả, tình trạng mất sách giảm dần. Hai tháng một lần, sách ở các lớp lại được luân chuyển.

Cô Dương Thị Nguyệt (trái), Hiệu trưởng trường THCS Thụy Liên - giới thiệu mô hình Tủ sách Phụ huynh.

Tích tiểu thành đại

Theo cô Vũ Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, nhiều phụ huynh dù có con chỉ mới học lớp 1 song vẫn chọn những quyển sách rất có giá trị để góp vào tủ sách.


Từ sự vào cuộc tận tâm của phụ huynh, cùng nhiều phía liên quan trong việc xây dựng mô hình, cô Thu cho biết học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú, được hưởng thêm nhiều lợi ích nhờ có thêm cơ hội đọc sách, học hỏi từ những câu chuyện ứng xử hay kết hợp học mà chơi tìm vần đã biết.


Cô Bùi Thị Minh Tuyết, cán bộ thư viện Tiểu học xã Thụy Phong, khẳng định, trong quá trình triển khai, TSHP không dừng lại ở việc hỗ trợ rất tốt cho thư viện nhà trường, mà quan trọng hơn đã giúp học sinh trở nên mạnh dạn hơn trước. Từ thực tế đọc nhiều sách và viết bài thu hoạch, việc viết văn của học sinh được bổ trợ đáng kể.


Đồng tình về tác động rõ rệt này khi học sinh dành thời gian đọc sách và “giảm bớt trò nghịch ngợm”, cô Vũ Thị Tuyết Mai, một giáo viên của trường chia sẻ thêm: Học sinh được bồi đắp tình yêu môn Văn qua quá trình tìm hiểu thêm những trích đoạn không có sách giáo khoa nhưng có trong tủ sách. “Điều này rất có ý nghĩ khi chúng tôi ngày càng chú trọng xây dựng cho các em tính hướng thiện. Và chính các em đã tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau sau khi tiếp xúc với tủ sách”, cô Mai cho biết.


TSPH chỉ là một trong rất nhiều mô hình tủ sách đã và đang được xây dựng trên khắp các vùng nông thôn Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa đọc cho trẻ. TS Lương Thị Hiền, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá: “Khi trẻ được tạo điều kiện để có cơ hội tiếp cận nguồn tri thức phong phú, một bầu không khí xã hội học tập sẽ được tạo nên. Và đó là nền tảng cho công cuộc nâng cao dân trí”.


TTXVN/Tin Tức
Nâng cao văn hóa đọc qua mô hình Thư viện xanh
Nâng cao văn hóa đọc qua mô hình Thư viện xanh

Mô hình Thư viện xanh của các trường tiểu học tỉnh Bắc Ninh đang mang đến cho học sinh những kiến thức phong phú, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong các em, góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN