Nhiều phụ huynh ở thành phố Bạc Liêu phản ánh, các trường đã vận động quỹ xã hội hóa, buộc tham gia các loại bảo hiểm tự nguyện, nhưng không thông báo, trao đổi, lấy ý kiến phụ huynh. Để tránh bị phát hiện, các trường nhập chung các khoản thu này vào khoản thu học phí đầu năm.
Một phụ huynh có con theo học Trường Mầm non Hoa Mai (thành phố Bạc Liêu) cho biết, đầu năm học mới 2019-2020, họ đóng khoản tiền gần 1,3 triệu đồng gồm: tiền học phí 720.000 đồng, đồ dùng học tập 157.000 đồng, bảo hiểm thân thể 105.000 đồng, quỹ vận động xã hội hóa 300.000 đồng. Ngoài ra, tùy theo lớp phải đóng thêm tiền quỹ lớp, tiền quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh… từ 300.000 - 500.000 đồng/em.
Nhiều phụ huynh bất bình với khoản quỹ vận động xã hội hóa 300.000 đồng/em, cho rằng Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm lớp của Trường Mầm non Hoa Mai không trao đổi, lấy ý kiến phụ huynh mà mặc nhiên coi như khoản đóng bắt buộc, ai cũng phải thực hiện “nghĩa vụ”, đóng tiền ký tên nhưng không có phiếu thu.
Ngoài ra, nhiều năm qua, lãnh đạo Trường Mầm non Hoa Mai còn “hợp tác” với Công ty Bảo hiểm PVI Cà Mau (Tổng Công ty Bảo hiểm PVI) thực hiện mua bảo hiểm thân thể cho học sinh với giá 105.000 đồng/em nhưng không thông qua phụ huynh, dù đây là bảo hiểm tự nguyện. Lãnh đạo trường này còn “bắt tay” với dịch vụ chụp ảnh tư, yêu cầu tất cả học sinh trong trường chụp ảnh chân dung, đưa lên facebook, zalo cá nhân, mời chào phụ huynh liên hệ đóng tiền, với giá từ 350.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ảnh.
Một phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Bạc Liêu) bức xúc cho biết, tiền đóng tiền học phí năm học mới chỉ hơn 600.000 đồng nhưng phải đóng các khoản quỹ xã hội hóa, tiền học chéo buổi, quỹ lớp, quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh… hơn 1 triệu đồng/em.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng các khoản thu đó, nhiều trường ở thành phố Bạc Liêu, một số huyện trong tỉnh…, mỗi phụ huynh phải đóng quỹ vận động xã hội hóa, quỹ lớp, quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh, bảo hiểm thân thể, đồ dùng học tập, học anh văn, tin học, học chéo buổi, ghế nhựa ngồi chào cờ… ít nhất hơn 1 triệu đồng đến vài triệu đồng.
Một phụ huynh có con theo học ở Trường Tiểu học Hòa Bình A (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) cho biết, đây là trường đạt quốc gia, vào đầu năm học họ phải đóng các khoản thu từ 800.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng/học sinh nhưng không có phiếu thu. Một số khối như lớp 1, lớp 2 tuy chưa tham gia hoạt động Đội nhưng đã thu quỹ Đội 45.000 đồng/năm; tiền quỹ xã hội hóa 200.000 đồng... Trường Tiểu học Hòa Bình A có trên 1.000 học sinh theo học, riêng khoản thu vận động xã hội hóa, hằng năm trường thu được hơn 200 triệu đồng.
Theo nhẩm tính của nhiều phụ huynh, tùy theo số lượng học sinh của từng trường, riêng 2 khoản thu: tiền vận động xã hội hóa, tiền bảo hiểm thân thể, hằng năm các trường thu về hàng trăm triệu đồng. Chưa kể, có không ít phụ huynh, "mạnh thường quân" đóng góp từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng nhưng nhà trường đầu tư mua gì, làm gì, xây gì… thì ít phụ huynh biết được.
Được biết, những năm qua tình trạng lạm thu đầu năm học mới ở Bạc Liêu là “điểm nóng” được báo chí phản ánh, phụ huynh, dư luận bức xúc. UBND tỉnh, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, có không ít cá nhân, tập thể nhà trường bị nhắc nhở, kiểm điểm do vi phạm quy định trên.
Đặc biệt, trong năm học 2019- 2020 này, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã ban hành các văn bản chấn chỉnh dù năm học mới chưa bắt đầu. Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn vẫn “phớt lờ” chỉ đạo này, cố tình lạm thu như đang thách thức phụ huynh, dư luận.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc kiêm người phát ngôn Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho biết, Sở yêu cầu các Phòng Giáo dục kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện nếu có sai phạm phải chấn chỉnh ngay, trường hợp sai nghiêm trọng thì xem xét xử lý theo quy định. Ông Tân khẳng định thêm, quan điểm của ngành Giáo dục Bạc Liêu là kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra lạm thu đầu năm học.