Đề án “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội soạn thảo, đã nhận được đồng tình của Sở GD - ĐT Hà Nội. Đây được mong đợi là “liều thuốc” để chống lạm thu trong trường học.
Vì quyền lợi học sinh
Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học mới phụ huynh lại “bức xúc” với việc phải đóng những khoản tiền không rõ ràng. Theo quy định của Sở GD - ĐT Hà Nội về việc thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2012 - 2013, thì các trường không được thu gộp vào đầu năm học, các khoản thu phải được thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã ban hành danh mục và mức trần của 4 khoản thu thỏa thuận được phép triển khai trong nhà trường (gồm bán trú, 2 buổi/ngày, học phẩm, nước uống).
Từ tháng 10/2013 đến hết tháng 7/2014, “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” sẽ được thí điểm tại 5 trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi thí điểm thành công, hội đồng này sẽ được nhân rộng sang các địa phương, quận huyện trên địa bàn. |
Tuy nhiên, thực tế, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, đã không ít phụ huynh phải “đau đầu” với hàng chục khoản thu khác nhau lên đến hàng triệu đồng. Một phụ huynh học sinh trường THCS Thượng Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, phải đóng các khoản thu như tiền photocopy 30.000 đồng/học sinh/học kỳ, khám bệnh 20.000 đồng/học sinh, gửi xe 100.000 đồng/học sinh, vệ sinh 250.000 đồng/học sinh/năm, ngoài ra là tiền điện, tiền nước, tiền quỹ lớp… tổng cộng hơn 2 triệu đồng. Hay phản ánh của một phụ huynh có con học tại một trường mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, họp phụ huynh đầu năm đã phải đóng gần 3 triệu đồng. Theo đó, ngoài các khoản như học phẩm, trang bị ban đầu, tiền nước uống, tiền bán trú; tiền ăn, học phí... phụ huynh đóng thêm các khoản: Điều hòa, thay tủ đựng đồ, các khoản khác... tổng cộng hơn 417.000 đồng.
Vừa qua, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã đưa ra Đề án “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học”. Đề án đã nhận được sự đồng tình của Sở GD - ĐT Hà Nội, cũng như các cơ sở thực hiện thí điểm. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” là tổ chức xã hội tự nguyện của cộng đồng cha mẹ học sinh và đại diện dân cư trên địa bàn, do Mặt trận Tổ quốc địa phương công nhận. “Hội đồng sẽ có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các khoản thu chi của trường học. Khi trường có kế hoạch thu - chi từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh, phải có sự đồng ý bằng chữ ký của Hội đồng giám sát. Chính vì vậy, Hội đồng này cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước nếu xảy ra lạm thu”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
“Liều thuốc” chống lạm thu?
Khác với quy trình hiện nay: Các trường tự đưa ra các khoản thu và phụ huynh thực hiện, vì vậy xảy ra nhiều việc phụ huynh bất bình trước các khoản thu của nhà trường; Hội đồng giám sát cộng đồng trường học sẽ đảm bảo các khoản thu được minh bạch. Khi thu bất cứ khoản thu nào, thành viên của hội phải công khai với cha mẹ học trước. Nếu phụ huynh nhất trí đồng thuận thì thành viên của hội đồng giám sát sẽ cùng với nhà trường ký văn bản thu, chi. Như vậy phụ huynh sẽ không còn lo khoản tiền mình đóng góp bị sử dụng sai mục đích. "Hội đồng này ngoài tham gia vào hoạt động thu chi, còn có quyền tham gia phân bổ tài chính phụ huynh đóng góp để đảm bảo chất lượng giáo dục và giám sát xem nhà trường có làm đúng mục tiêu không. Hội đồng giám sát không bị ai điều khiển, không phải là bù nhìn”, TS Lâm khẳng định.
Thành phần của Hội đồng tuyệt đối không có Ban giám hiệu nhà trường mà Hội đồng sẽ được thành lập ở mỗi trường học, gồm từ 7 đến 9 người, là những người có trình độ, năng lực, tâm huyết với giáo dục, bao gồm phụ huynh và đại diện các ban ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... |
Đánh giá về mô hình này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, đây là mô hình đáng được ủng hộ. Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho phụ huynh hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì, có phục vụ cho con em mình học tập hay không?... "Làm được điều này, tôi tin rằng việc huy động xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ”, ông Quang nói.
T.T