Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT
Trường ĐH Thuỷ lợi mới công bố phương thức tuyển sinh vào trường năm 2020. Trường tuyển sinh theo 3 phương thức chính: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập các năm học THPT (học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2020.
Theo TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thuỷ lợi: Trường dành 70% tổng chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2020.
Thí sinh đáp ứng các yêu cầu như: Điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển là như nhau; có điểm trúng tuyển theo ngành, theo cơ sở đào tạo; có điểm tổng các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tổ hợp xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Nhà trường, được xét từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu theo quy định. Trường hợp số thí sinh bằng điểm nhau nhiều hơn chỉ tiêu thì xét ưu tiên điểm môn Toán.
ĐH Thuỷ lợi sẽ xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký. Nếu thí sinh đã trúng tuyển theo nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng tiếp theo. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu, vị trí các nguyện vọng của các thí sinh có giá trị như nhau.
Năm 2020, ĐH Giao thông Vận tải cũng xét tuyển dựa chủ yếu vào kết quả thi THPT: Xét tuyển dựa vào điểm bình quân kết quả học tập 5 kỳ học THPT (không tính kết quả học kỳ II lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển; Xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thi khoa học, kỹ thuật quốc gia, quốc tế; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020.
Theo GS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng ĐH Vinh, trường áp dụng 5 phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT; Kết quả học tập THPT; Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; Dựa vào kết quả thi THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu cho 2 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu cho ngành Giáo dục Thể chất.
Dù áp dụng các phương thức xét tuyển nhưng đại diện các trường cũng mong muốn Bộ hỗ trợ lọc ảo.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội): Có tình trạng thí sinh ảo là do các em đăng ký nhiều nguyện vọng. Các trường mong muốn, Bộ GD&ĐT xây dựng và quản lý dữ liệu đăng ký và xét tuyển. Từ đó, trường lọc ảo được thực hiện và mỗi trường có quyết định trúng tuyển phù hợp với năng lực đào tạo của mình.
PGS TS Nguyễn Thanh Chương cũng đề xuất: Để đảm bảo tính ổn đinh, các trường đại học tiếp tục thực hiện việc xét tuyển lọc ảo khu vực phía Bắc và phía Nam và Bộ GD&ĐT quản lý chung. Trường ĐH Giao thông Vận tải sẽ đóng vai trò nhóm trưởng để tuyển sinh như mọi năm.
Tăng cường thanh tra
Để đảm bảo chất lượng của kỳ thi, một số ý kiến các trường đại học cho rằng Bộ phải tăng giám sát, tăng thanh tra từ phía trường đại học.
GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ: "Để đảm bảo chất lượng của kỳ thi, tôi cho rằng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và ủy quyền cho các trường ĐH về việc này. Bên cạnh đó, đề thi nên có sự phân hóa sâu hơn. Nếu đề thi phân hoá từ mức 6 điểm trở lên để các trường dễ tuyển sinh".
Có lẽ, một trong những khối trường băn khoăn nhiều nhất về chất lượng nguồn tuyển là khối các trường sức khoẻ. Điều này cũng được Bộ GD&ĐT tháo gỡ trong Quy chế tuyển sinh 2020 mới ban hành khi quy định ngưỡng điểm đầu vào với các ngành, trường này.
Tuy nhiên, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, giúp các trường ĐH yên tâm xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp.
Theo GS Tạ Thành Văn thì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 giao trách nhiệm cho địa phương, nên cần tăng cường giám sát, để phòng ngừa những điều không mong muốn xảy ra.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Tuyển sinh là bước đầu trong quá trình đào tạo. Nên những thông tin mà các trường cung cấp cho thí sinh và xã hội phải trung thực, chính xác, có định hướng nghề nghiệp cho thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ quy trình lọc ảo như đề xuất của các trường. Vì thế, các trường cần tuân thủ cung cấp dữ liệu lên hệ thống đầy đủ, kịp thời, chính xác để lọc ảo tốt.
“Các cơ sở giáo dục ĐH sẽ cử cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra. Trường cần lựa chọn người có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao, góp phần tạo nên thành công của kỳ thi”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.