Sinh viên còn thụ động
Vụ Giáo dục đại học và sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cho biết, sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh của người sử dụng chỉ khoảng 49%, có tới 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm. Điều đó có nghĩa, hơn nửa số sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Ngay lãnh đạo nhiều trường đại học cũng thừa nhận, tiếng Anh của sinh viên vẫn còn yếu.
Theo ghi nhận của phóng viên, do tiếng Anh chỉ là môn điều kiện trong chương trình học đại học nên sinh viên vẫn học trong tình trạng đối phó. Sinh viên Nguyễn Thu Hà (ĐH Thương mại Hà Nội) cho biết: “Cách dạy tiếng Anh của thầy cô bậc đại học khác hẳn ở bậc phổ thông. Nên nhiều bạn cứ nghĩ là khi thi sẽ dễ dàng. Đến kỳ kiểm tra, đề rất khó thì mới tá hỏa ôn thi nhưng quá muộn”.
Giờ học của sinh viên ngành khoa học máy tính, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. |
“Trường đại học cho các em phương pháp, tư duy, hướng dẫn sinh viên tìm hiểu vấn đề. Còn lại sinh viên phải chủ động trong việc học. Thầy cô không thể dắt tay các em được. Với những em có tiếng Anh tốt thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn”, PGS TS Phạm Bảo Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết.
Theo PGS TS Phạm Bảo Sơn, sinh viên không chủ động trong việc học tiếng Anh, không có môi trường va chạm thì cơ hội việc làm sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Nhưng để đưa tiếng Anh thành môn bắt buộc thì cũng có nhiều cái khó, bên cạnh tiếng Anh vẫn còn có các thứ tiếng khác.
Mở rộng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh
Trong chương trình nhiệm vụ chiến lược, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu rõ tiếng Anh chỉ thực sự là công cụ tiếp cận tri thức, khoa học tự nhiên, xã hội khi được đặt trong chương trình học. Cụ thể, ở những chương trình tiên tiến, chương trình cử nhân tài năng, chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược của đại học hoặc những ngành đặc thù như y, dược. Sinh viên bắt buộc phải học tiếng Anh thì mới tiếp cận sâu đến chuyên ngành nên việc học và giảng dạy tiếng Anh ở những chương trình này đã đảm bảo tính hội nhập. Đây cũng là giải pháp mà nhiều trường đại học hướng tới khi tiếng Anh chưa là ngôn ngữ bắt buộc song song với tiếng mẹ đẻ như nhiều nước đã thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội thì đầu ra của các chương trình tạo tài năng, chất lượng cao và các chương trình đào tạo liên kết quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội đều có năng lực và trình độ chuyên môn cao; Chuẩn tiếng Anh đạt tương đương 6,0 IELTS; Tỷ lệ người học nhận được học bổng để tiếp tục học tập ở nước ngoài hoặc làm việc ở các cơ quan, cơ sở sản xuất có uy tín trong và ngoài nước ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 25%.
Tốt nghiệp loại giỏi ngành khoa học máy tính, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Hưng Thịnh đang đầu quân cho Công ty cổ phần Trung tâm nghiên cứu A.N, một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thịnh cho biết: “Đầu vào ngành học của em là khối A. Lúc đó, vốn tiếng Anh của em khá kém. Nhưng muốn theo ngành học này cần phải sử dụng tiếng Anh thành thạo, bởi tiếng Anh là công cụ để học các môn học chuyên ngành. Do đó, chúng em được học tiếng Anh 1 năm ở ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) rồi học chuyên ngành. Giảng viên, giáo trình và bảo vệ cũng bằng tiếng Anh. Bởi vậy, tiếng Anh là môn bắt buộc, động lực để nhiều sinh viên như em vượt qua. Nhiều bạn trong khóa học sau tốt nghiệp đã được những công ty lớn đón đầu. Nhiều bạn còn có học bổng tốt ở nước ngoài”.
PGS TS Phạm Bảo Sơn cho biết thêm: “Những sinh viên nằm trong chương trình “nhiệm vụ chiến lược” của ĐH Quốc gia Hà Nội với hệ giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ không có yêu cầu đầu vào nhưng có yêu cầu đầu ra. Ở chương trình này đã có 3 khóa ra trường và 100% đều có việc làm hoặc đi du học. Trong chương trình học sinh viên học bằng tiếng Anh, viết khóa luận, bảo vệ bằng tiếng Anh. Trong Hội đồng phản biện có GS người nước ngoài thẩm định. Nhờ vậy, nhà tuyển dụng có đã phản hồi tốt về chất lượng chuyên môn cũng như kỹ năng của sinh viên được đào tạo theo hệ này.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc giảng dạy bằng tiếng Anh là việc nên làm. Nhưng do điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn nên thời điểm này Bộ chỉ khuyến khích các trường thực hiện. Tương lai, khi khung trình độ quốc gia được ban hành, trong đó có quy định trình độ chuẩn tiếng Anh cần đạt được cho từng trình độ và ngành nghề, thì các trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo và hoạt động đánh giá theo Khung tham chiếu châu Âu. Với khung trình độ này, các trường sẽ đào tạo nhân lực đạt chuẩn và đủ điều kiện để tham gia hội nhập khu vực”.