Quan tâm nhiều hơn tới giáo dục vùng hải đảo

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục đã có những quan tâm, chính sách hỗ trợ đối với giáo viên vùng hải đảo để làm vơi bớt những vất vả mà các thầy cô ngày ngày phải đối mặt và vượt qua.

VƯỢT KHÓ MANG CON CHỮ RA ĐẢO

Nhiều giáo viên chia sẻ, so với 10 năm trước đây thì nay cuộc sống của giáo viên vùng hải đảo đã được quan tâm, có điện nước sinh hoạt đầy đủ... Nhưng nỗi lo về điều kiện đến trường, điều kiện học tập của học sinh vẫn chưa vơi trong tâm tư của mỗi thầy cô. 

Không còn lỡ chuyến đò đến trường 

Xã đảo Thạnh An nằm hoàn toàn tách biệt với huyện Cần Giờ và TP Hồ Chí Minh, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 70 km đường bộ về phía Đông. Từ thị trấn Cần Thạnh, chúng tôi phải đi thêm một chuyến đò 45 phút mới đến được với xã đảo Thạnh An. Mỗi ngày sẽ có 5 chuyến đò từ đất liền ra xã đảo này và ngược lại. Người dân trên xã đảo Thạnh An chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. 

Do cách biệt về địa lý, nên việc đầu tư về điện, đường, trường, trạm trên xã đảo còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trước đây, muốn học lên cấp 3, học sinh xã đảo phải đi đò vào thị trấn Cần Thạnh và trọ học ở đó bởi xã chỉ có trường cấp 1 và 2. Học sinh ở xã đảo dù được hỗ trợ rất nhiều nhưng tính trung bình một học sinh đi học ở thị trấn tốn kém 1- 2 triệu đồng mỗi tháng và đây là số tiền không nhỏ đối với người dân ở xã đảo. Để tiết kiệm chi phí, đa số phụ huynh ở xã đảo hàng ngày nấu cơm ở nhà rồi chuyển đò ra cho con, vì vậy nơi đây cũng xuất hiện nghề "chuyển cơm".

Lớp 10A8 ra đời ở xã đảo Thạnh An đã đáp ứng niềm mơ ước từ rất lâu của người dân và chính quyền nơi đây.

Niềm vui của phụ huynh và các em học sinh đến khi bắt đầu từ năm 2016, một lớp 10 với sĩ số 28 học sinh mang tên 10A8 đã ra đời trên địa bàn xã đảo. Đây là lớp 10 thuộc phân hiệu trường THPT Cần Thạnh nằm trong trường THCS Thạnh An. Theo đó, các em cũng được học đầy đủ các môn học do giáo viên ở trường THPT Cần Thạnh ra giảng dạy. Mỗi ngày, hơn 90 phút lênh đênh trên biển đi về giữa xã đảo với đất liền, với những ngày gió yên biển lặng không sao còn những ngày sóng lớn, gió to thì sức khỏe và tính mạng của những thầy cô đành phải giao phó cho sự may rủi của số phận. Dù vậy, nhiều thầy cô giáo vẫn miệt mài và hăng hái.

Thầy Bùi Minh Hòa, giáo viên thể dục của trường THPT Cần Thạnh, cho biết: “Nếu dạy ở thị trấn, tôi cần 10-20 phút để đến lớp, còn ra đảo dạy tôi mất hơn 1 tiếng để đi đò”. Tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 13 giờ 30 nhưng từ 11 giờ thầy Hòa đã phải chuẩn bị để ra cho kịp chuyến đò lúc 12 giờ. Với những giáo viên dạy buổi sáng thì vất vả hơn nhiều. Các thầy cô phải đi từ lúc 6 giờ kém để cho kịp chuyến đò lúc 6 giờ 30. 

"Tiết học kết thúc lúc 3 giờ thì mình phải ngồi ở lại đợi đến 5 giờ mới có đò về đất liền. Những ngày sóng yên còn đỡ, còn những ngày sóng lớn không ít thầy cô bị say sóng, mệt mỏi, đặc biệt là giáo viên nữ. Vì các em ở xã đảo, các thầy cô vẫn cố gắng để có những tiết học tốt nhất", thầy Hòa chia sẻ.

Còn thầy Trương Huỳnh Lâm, giáo viên dạy địa lý lớp 10A8 cho rằng: “Nhiều giáo viên rất nhiệt tình đăng ký ra xã đảo để giảng dạy. Dù khó khăn thầy cô vẫn cố gắng và hạnh phúc hơn khi học sinh được đến trường đầy đủ”.

Mong mỏi chính sách 

Theo đánh giá của nhiều giáo viên “cắm đảo” thì những năm gần đây, đời sống của giáo viên đã được cải thiện. Theo thầy Đoàn Văn Kiều, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, hiện nay giáo viên vùng biển, đảo được ưu tiên hơn về lương, nhưng mức thu nhập của giáo viên vẫn khá thấp so với những chi phí thầy cô phải bỏ ra cho việc đi lại, sinh hoạt. Thầy Kiều dẫn chứng, thực phẩm ngoài đảo rất đắt đỏ. Một cân rau muống trong đất liền là 4.000 đồng nhưng ngoài đảo là 10.000 đồng. Chi phí đi lại cũng tốn kém mà thầy cô phải bỏ tiền túi để trang trải. 

Bên cạnh chi phí, nhiều thầy cô cũng mong mỏi được hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. “Chúng tôi rất cần được tập huấn thường xuyên và có công cụ hỗ trợ giảng dạy phong phú hơn”, thầy Lê Xuân Quyết, trường tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa bày tỏ. 

Chuyện một gói mỳ tôm đắt gấp 3, 4 lần so với đất liền đã là câu chuyện thường thấy ở các xã đảo, huyện đảo do chi phí vận chuyển. Mức sinh hoạt cao không chỉ ảnh hưởng đến thầy cô mà còn đến học sinh. Chia sẻ về thực tế này, cô Phan Hồng An, giáo viên Trường Trung học cơ sở Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết, học sinh trên đảo cũng gặp phải những khó khăn như giáo viên và đời sống của gia đình đa số ở mức nghèo nhưng các em không được miễn giảm học phí, không được hỗ trợ chi phí học tập. Do đó việc học sinh bỏ học cũng là vấn đề khá đau đầu ở vùng đảo.

Đây cũng là tâm tư của nhiều thầy cô “cắm đảo”. “Người dân nghèo nên không đủ điều kiện cho con đi học. Nhất là khi các em lên cấp III, phải rời đảo vào đất liền đi học thì phải thêm chi phí gấp đôi, gấp 3 khi học cấp I, cấp II do điều kiện đi lại. Điều này khiến các em phải bỏ học đi đánh cá hoặc làm lao động phổ thông. Chúng tôi rất đau lòng nhưng lực bất tòng tâm. Mong Bộ có chế độ tốt hơn để học sinh được vào đất liền học”, thầy Đoàn Văn Kiều, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang tâm sự. 
Lê Vân - Đan Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN