Như báo Tin Tức đã đưa, tình trạng xếp hàng trắng đêm xin học mầm non vẫn tiếp tục diễn ra trong đợt tuyển sinh năm nay. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo địa phương cũng như ngành giáo dục cho rằng, quỹ đất của Hà Nội còn quá hạn hẹp, trong khi mật độ dân số ngày càng phát triển. Cần phải có thời gian mới có thể giải quyết được vấn đề quá tải ở bậc học mầm non.
Phụ huynh xếp hàng trắng đêm xin học cho con tại trường mầm non Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội) tối 30/6/2011. |
Địa bàn phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) có hai trường mầm non công lập: Mầm non Họa My và mầm non Thành Công A. Chỉ tiêu của hai trường năm 2011 khoảng 200 cháu, trong khi có 1.000 cháu trong độ tuổi đến trường. “Sẽ có khoảng 800 cháu sẽ không được vào trường công lập như mong muốn. Phải chấp nhận điều này vì không thể nhồi nhét trẻ. Trường mầm non Thành Công A xếp hàng xin học là việc làm tự phát và không thể cấm được” - ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết.
Ông Lâm cũng cho biết, trước mùa tuyển sinh, phường đã cho họp và công khai với các đồng chí trưởng các ban, ngành, đoàn thể về chỉ tiêu tuyển sinh. Sau đó, thông qua loa phát thanh phường đã thông báo tới những hộ dân để người dân thông cảm. “Trong thời gian tới, trường mầm non Họa My được nâng cấp, hy vọng sẽ đón được nhiều cháu hơn. Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng chúng tôi đã có kiến nghị với lãnh đạo là khi xây dựng chung cư phải quy hoạch phát triển trường học, nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện” - ông Lâm cho hay.
Được biết, khu vực Thành Công ngoài những khu tập thể cũ thì nay đã xây dựng thêm những chung cư mới như khu chung cư 57 Láng Hạ với 28 tầng. Tuy nhiên, chưa có trường mầm non công lập nào được xây mới.
Để giảm tình trạng xếp hàng trắng đêm ở một số trường trên địa bàn Hà Nội, đã có những giải pháp tình thế. Cụ thể như hai trường mầm non ở khu vực phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), địa bàn có số lượng dân cư đông xếp hàng “top” ở Hà Nội, đã phát phiếu đăng ký học cho phụ huynh với số lượng tự do căn cứ trên hộ khẩu. “Quy định giờ giấc để phụ huynh đến bỏ phiếu đăng ký vào hòm phiếu. Tiếp đó, chính phụ huynh sẽ bầu ra đại diện để bốc thăm phiếu đó. Với 70 chỉ tiêu tuyển sinh, cháu nào được bốc tên sẽ được nhập học luôn” - ông Lê Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa cho biết. Chị Nguyễn Thanh Thủy (phố Tạ Quang Bửu) nộp đơn cho con vào học tại trường Mẫu giáo Bách Khoa cho biết: “Ít nhất với hình thức đó phụ huynh chúng tôi thấy công khai minh bạch”.
Trong cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD-ĐT, bà Phan Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, các trường mầm non sẽ không giới hạn chỉ tiêu nhận trẻ 5 tuổi. Tại 63, tỉnh thành trong cả nước, số lượng trường công lập chiếm tới 75% tổng số trường. Số lượng trường tư thục chiếm 25%. Số lượng trường công lập của cả nước là 12.972 trường, còn dân lập chỉ có 1.120 trường.
Bà Phan Lan Anh cũng khẳng định, Hà Nội đã có những nỗ lực rất lớn trong việc mở rộng mạng lưới trường lớp mầm non thời gian qua. Năm học 2010 - 2011 đã phát triển thêm 10 trường và 73 nhóm lớp. Tuy nhiên, số trường, lớp như vậy vẫn chưa thể đáp ứng được lượng trẻ nhập cư vào Hà Nội, do số gia đình nhập cư tăng. Hà Nội có tới 85% trường công lập đảm bảo yêu cầu của ngành huy động tất cả trẻ 5 tuổi ra lớp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Còn trẻ mầm non dưới 5 tuổi sẽ được bố trí vào các trường mầm non với nhiều loại hình khác nhau: dân lập và tư thục.
Vị Phó Vụ trưởng cũng cho biết, đang có sự khác biệt giữa hai loại hình trường công lập và tư thục. Khác biệt lớn nhất ở chỗ, học phí trường tư thục cao hơn rất nhiều công lập. Đối với trường công lập, tiền học phí là 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Đối với trường mầm non tư thục thì tiền học phí hàng tháng ở mức 1 triệu đồng trở lên là phổ biến. Do đó, không ít phụ huynh có con học tư thục đã chuyển con mình sang học công lập. Vì vậy, càng thêm khó khăn cho những trường công lập.
“Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và quyết định mới về trường mầm non, những tồn tại của bậc học mầm non sẽ được giải quyết. Một trong những nhiệm vụ chính là UBND các thành phố trực thuộc Trung ương cần có quy hoạch đảm bảo quỹ đất cho giáo dục mầm non trong những năm tới. Chúng tôi sẽ cùng bàn bạc với các địa phương, nhằm có giải pháp kịp thời để tất cả trẻ của chúng ta đều hưởng một nền giáo dục tốt ở những trường đạt chất lượng chuẩn quốc gia” - bà Phan Lan Anh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Lê Vân