Thực hiện Nghị quyết 134 của Chính phủ, từ năm 2006 - 2011, Nghệ An đã có 6 học sinh là người dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, theo học nhiều ngành, nhiều nghề. Đến nay, các huyện đã tiếp nhận và bố trí việc làm cho 492 sinh viên về tuyến xã, vùng đặc biệt khó khăn. Họ đã trưởng thành về nhiều mặt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, hiện còn 146 sinh viên chưa bố trí được việc làm, trong đó huyện Con Cuông 53 trường hợp, Quỳ Châu 31, Quế Phong 20, Anh Sơn 15... Nguyên nhân chủ yếu là công tác xây dựng chỉ tiêu của các huyện có học sinh cử tuyển chưa sát với nhu cầu thực tế nên không thể bố trí công việc cho học viên khi ra trường. Mặt khác, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng của tỉnh và của các huyện miền núi tăng nhiều, chất lượng cao hơn so với học sinh cử tuyển nên việc bố trí học sinh cử tuyển vào làm việc theo nguyện vọng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số sinh viên vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số, thiếu sự rèn luyện trong học tập và công tác để phấn đấu vươn lên.
Nghệ An đang thực hiện chính sách đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, phường, thị trấn, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số. Nguồn: dantocnoitrunghean.com |
Để khắc phục yếu kém trên, thời gian tới Nghệ An tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số (bao gồm cả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ); đảm bảo ở các cấp, ngành, lĩnh vực đều có cán bộ là người dân tộc thiểu số để tạo sự chuyển biến về cơ cấu cán bộ giữa các dân tộc. Tỉnh thực hiện chính sách đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, phường, thị trấn, ưu tiên người dân tộc thiểu số. Đối với các xã vùng cao biên giới, tỉnh khuyến khích lựa chọn những thanh niên người dân tộc thiểu số đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đưa đi đào tạo nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.
Nghệ An hiện có 11 huyện, thị xã miền núi và 6 huyện có xã miền núi, với gần 1.198.000 người, chiếm trên 41% dân số cả tỉnh, với 5 dân tộc : Thái, Thổ, K’Mú, Mông, Ơ Đu cùng chung sống. Ngoài ra, còn có 23 dân tộc khác, với trên 3.100 người cùng sinh sống trên địa bàn miền núi. Trong 3 năm qua, đội ngũ cán bộ của các huyện miền núi đã được bố trí đầy đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao, nhất là đội ngũ cho tuyến xã, vùng đặc biệt khó khăn, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
TTXVN/ Tin Tức