Ra mắt Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt Trung tâm Vật lý Quốc tế (ICP) và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (ICRTM).

Chú thích ảnh
Lễ ra mắt Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học. Ảnh: baochinhphu.vn

Đây là hai trung tâm được thành lập dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Hai Trung tâm được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, hiện thực hóa các cam kết quốc tế của Chính phủ; đồng thời tạo sự tin cậy, nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia, giúp khoa học Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Trong thời gian tới, hai Trung tâm sẽ có các mảng hoạt động chính gồm: đào tạo vật lý và toán học trình độ quốc tế; nghiên cứu vật lý và toán học trình độ quốc tế; tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục và tuyên truyền cho công chúng về lĩnh vực vật lý và toán học.  

Hai Trung tâm bắt đầu thực hiện đào tạo từ năm 2021 với 4 hạng mục chính là: đào tạo tài năng, nâng cao; đào tạo vật lý và toán học trình độ sau đại học; đào tạo sau tiến sĩ về vật lý và toán học; xây dựng chương trình đào tạo, quy trình tuyển chọn, quản lý, hỗ trợ tài chính; đào tạo quốc tế trình độ thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực vật lý và toán học thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học. Các chương trình này dành cho công dân Việt Nam và một số nước trong khu vực có nhu cầu, cũng như tại một số nước Châu Phi.

Về mảng nghiên cứu, hai Trung tâm sẽ tổ chức các nhóm và các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng sự tham gia của các nhà vật lý và toán học nước ngoài; đồng thời, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu vật lý và toán học trong khu vực và quốc tế (tổ chức hội thảo quốc tế; trao đổi khoa học trong khu vực và quốc tế; xây dựng và tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu khu vực và quốc tế...)

Bên cạnh đó, hai Trung tâm cũng có nhiệm vụ tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm: hợp tác với Chương trình quốc tế về Khoa học cơ bản (IBSP) của UNESCO, Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết tại Trieste (Italia) và các tổ chức khoa học khác; tổ chức các sự kiện khoa học và chuyển giao tri thức về vật lý và toán học (các lớp học, hội thảo, hội nghị...) phù hợp với các chương trình của UNESCO.

Ngoài ra, hai Trung tâm cũng sẽ hợp tác nghiên cứu và ứng dụng vật lý và toán học với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, trong đó đặc biệt chú ý đến các quốc gia ASEAN, Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Phi. Các hoạt động hợp tác bao gồm: trao đổi chuyên gia ngắn hạn, cử chuyên gia của Việt Nam đi dạy các lớp ngắn hạn, tham gia các hội nghị, hội thảo, đón chuyên gia và học viên của các nước đến học tập và làm việc tại trung tâm. Hai Trung tâm cũng sẽ hợp tác với các trung tâm khác của UNESCO trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đề xuất với UNESCO công nhận và bảo trợ Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học. UNESCO đã thông qua đề xuất của Việt Nam tại phiên họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 39. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết thỏa thuận chính thức với Tổng Giám đốc UNESCO. 

Việc UNESCO công nhận và bảo trợ hai Trung tâm đã khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới. Thông qua hai Trung tâm khoa học này, Việt Nam mong muốn đóng góp cho nền khoa học của khu vực ASEAN và thế giới bằng các chương trình đào tạo cho khu vực cũng như các hoạt động hợp tác nghiên cứu thông qua các chương trình của UNESCO. Bộ Khoa học và Công nghệ thay mặt Chính phủ Việt Nam cam kết việc đảm bảo cho hai Trung tâm thực hiện đúng Thỏa thuận với UNESCO. Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc nói chung và UNESCO nói riêng.

Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh, ngay sau khi được Đại hội đồng UNESCO thông qua vào năm 2015, tiếp đó là Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO năm 2017, hai Trung tâm đã tiến hành các hoạt động đào tạo và nghiên cứu vật lý và toán học trình độ quốc tế thông qua các lớp học, hội nghị, hội thảo, tài trợ tài năng trẻ của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, hướng tới một số nước trong khu vực Châu Phi. Hai Trung tâm đã bước đầu tổ chức các nhóm và thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng sự tham gia của các nhà vật lý và toán học nước ngoài. Hai Trung tâm được đặt tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện sẽ luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để hai Trung tâm hoàn thành tốt các cam kết với UNESCO; đồng thời tin tưởng hai Trung tâm sẽ có nhiều đột phá với những thành công mới.

Mai Lan (TTXVN)
Phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học
Phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN