Câu chữ nhiều chỗ ngô nghê
Một dịch giả, người viết sách có tiếng đã chia sẻ về sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều như sau: Đọc các đoạn văn trong SGK Tiếng Việt Cánh diều tập 1 có cảm giác như người viết các đoạn văn là một… ông Tây vì câu văn không mượt mà, thiếu các thành phần phụ, từ đệm làm cho cho câu văn trở thành ngô nghê, cộc lốc, nhiều từ dùng không chính xác về trường nghĩa.
Có lẽ vì cố "đóng giả" như con trẻ để diễn tả ngôn ngữ ngây thơ, nhưng vì thiếu chân thật và tinh tế nên câu từ thành sống sượng. Ví dụ, tác giả dùng từ “chả” thay vì “chẳng” hay “không” khi diễn tả ý phủ định. Việc dùng từ ngữ này không giúp cho trẻ em hiểu đúng nghĩa của từ, mà còn gây khó hiểu và làm cho câu văn mất đi sự duyên dáng, tinh tế.
Nhiều bậc phụ huynh cũng chia sẻ ảnh chụp các lần xuất hiện của từ “chả” và gần như trong tất cả các trường hợp này nó cần/nên được thay thế bằng từ “chẳng/không” sẽ hợp lý hơn. Chủ biên SGK dùng nhiều có hệ thống như thế chứng tỏ đây không phải là một sự vô tình.
Chưa hết, một phụ huynh có tài khoản là B.T.H chia sẻ về bài học "Bài học đầu tiên của Thỏ con". Đó là, Thỏ con thì hiếu động, chạy linh tinh và trúng vào bạn Sóc, Thỏ bèn nói "Em cảm ơn anh". Nhưng khi được bác Voi cứu thì Thỏ con nói "Cháu xin lỗi bác ạ". "Cái nhầm lẫn có thể là "Em cảm ơn anh" thành "Em xin lỗi ạ" nhưng lại rất "hợp" với ngữ cảnh khi "hỏi là bác, trả lời là cháu". Sai chính tả đã không chấp nhận được, đây sai về mặt ngữ nghĩa thì SGK làm thiếu trách nhiệm và xem thường việc làm sách".
Hay bài "Hai con ngựa" trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là minh chứng cho cách dùng từ ngữ không hợp lý.
“Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:
- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?
Ngựa ô ngạc nhiên:
- Không làm thì ông chủ mắng.
- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.
Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”".
Tài khoản cá nhân MQ cho biết: Bài học này có cách ghi “Phỏng tác theo Lép Tôn-xtôi”, lời kể Hoàng Minh. Tuy nhiên khác với bài thơ đẹp của đại thi hào này, câu chuyện trong SGK Tiếng Việt 1 lại phỏng tác theo hướng xúi giục trẻ lười nhác, làm biếng, trốn tránh việc. "Tôi cho rằng ai đã từng đọc ngụ ngôn Lev Tolstoy sẽ rất phẫn nộ với lối kể “phỏng theo” mang tính xuyên tạc như thế này", anh MQ viết.
Bộ GD&ĐT liệu có im lặng!
Chia sẻ về về chương trình và SGK, PGS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình SGK Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết: Chương trình Ngữ văn 2018 là chương mở, phục vụ cho chủ trương một chương trình nhiều SGK vì thế chỉ nêu lên mục tiêu, các yêu cầu cần đạt và một số nội dung cốt lõi của mỗi lớp, mỗi cấp. Còn việc dạy thế nào, bắt đầu từ đâu, sắp xếp ra sao, ngữ liệu thế nào?… hoàn toàn do các bộ sách.
Có nghĩa là trong thực tế 5 bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 sẽ có cách triển khai rất khác nhau, nhưng tất cả đều phải hướng đến mục tiêu và đáp ứng được các yêu cầu cần đạt mà chương trình đã nêu lên.
Theo PGS Đỗ Ngọc Thống: Mục tiêu và yêu cầu cần đạt của Tiếng Việt lớp 1 từ xưa tới nay đều có điểm thống nhất là: Học hết lớp 1, học sinh biết đọc, biết viết. Phải biết đọc, biết viết thì mới có thể học các môn học khác. Muốn biết đọc, biết viết Tiếng Việt thì phải dạy tất cả các chữ cái và các vần và cách ghép vần trong tiếng Việt.
Vì thế chương trình bao giờ cũng dành nhiều thời lượng cho việc học đọc, học viết này. Sau mục tiêu biết đọc, biết viết mới đến giúp học sinh làm quen với những hiểu biết đơn giản về thế giới xung quanh mình thông qua các bài đọc. Có thể nói yêu cầu trên là chung cho tất cả các chương trình học tiếng mẹ đẻ của mọi quốc gia. Nhưng biên soạn SGK và tổ chức dạy học thế nào để đạt được mục tiêu yêu cầu ấy là rất khác nhau.
Cũng theo PGS Đỗ Ngọc Thống, sách giáo khoa Tiếng Việt mới (2018) có 5 bộ là một bước tiến quan trọng theo hướng xã hội hóa, cập nhật với xu thế quốc tế. Trên bước đường thay đổi ấy có thể gặp rất nhiều va vấp, những sai sót là khó tránh khỏi. Những khó khăn của giáo viên trong vài năm đầu với bối cảnh vừa qua cũng là tất yếu...
Liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này nhưng Bộ vẫn vẫn chưa có câu trả lời. Đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến về sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo một giảng viên cao cấp của ĐH Sư phạm Hà Nội thì Bộ GD&ĐT không thể im lặng bởi trách nhiệm thuộc về Bộ, về Hội đồng thẩm định Quốc gia. Bộ GD&ĐT cần thành lập ngay một hội đồng, có đại diện của nhà xuất bản để kịp thời sửa chữa, thay thế các nội dung, bài viết chưa phù hợp, những lỗi trong sách giáo khoa.
Theo vị giảng viên cao cấp thì sách rất nên dùng những ngôn từ, ngữ liệu đẹp và có tính dẫn dắt, nhất là lứa tuổi học trò. Đây chính là những bài học để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Bộ GD&ĐT cần có trách nhiệm làm rõ và ngay sự việc này.