Đội ngũ giáo viên được bổ sung
Tính đến thời điểm kết thúc năm học 2018 – 2019, trên cơ sở số biên chế được giao của năm 2019, nếu so với quy mô số lớp học các cấp hiện có thì định mức biên chế thực tế thấp hơn nhiều so với định mức được giao từ năm 2015. Thực tế, định mức này ở bậc mầm non chỉ đạt 1,62 giáo viên/lớp, tiểu học là 1,26 giáo viên/lớp và trung học cơ sở là 1,7 giáo viên/lớp. Điều này gây nhiều khó khăn cho các trường trong bố trí giáo viên giảng dạy.
Đơn cử, tại huyện Gia Lộc, theo thống kê, so với biên chế giao cuối năm 2019, bậc mầm non thiếu 123 chỉ tiêu biên chế, bậc tiểu học thiếu 77 chỉ tiêu biên chế và trung học cơ sở thiếu 54 biên chế. Còn ở huyện Thanh Hà, bậc mầm non thiếu 127 biên chế, tiểu học thiếu 44 biên chế, trung học cơ sở thiếu 15 biên chế.
Ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng cho biết, trung bình mỗi năm học tăng khoảng 1.500 học sinh, trong khi đó biên chế không được tăng thêm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của tỉnh, trong 3 năm qua từ 2017 đến 2019, ngành giáo dục huyện Cẩm Giàng đã tinh giản 81 biên chế. Thiếu giáo viên khiến các trường phải tìm mọi cách khắc phục như dồn lớp, cả hiệu trưởng và hiệu phó cũng phải đứng lớp giảng dạy.
Tuy vậy, trong bối cảnh tăng thêm học sinh và số lớp, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo một số địa phương cũng mong muốn tỉnh sớm có văn bản cho phép tiếp tục kí hợp đồng giáo viên, nhân viên đã được phê duyệt từ năm học trước; tiếp tục hợp đồng liên trường ở cấp trung học cơ sở và một số môn ít tiết của cấp tiểu học; cho phép điều chuyển giáo viên giữa các trường trong huyện để đáp ứng yêu cầu về cơ cấu chuyên môn, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp đồng đều giữa các trường…
Trước nhu cầu bức thiết về việc thiếu giáo viên, trên cơ sở được sự đồng ý của Trung ương, tại phiên họp bất thường ngày 28/8 mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung thêm 2.553 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho trường mầm non công lập, tăng 823 chỉ tiêu giáo viên tiểu học và 107 chỉ tiêu giáo viên trung học cơ sở. Đây thực sự là một tin vui đối với ngành giáo dục Hải Dương đầu năm học mới.
Đổi mới cơ sở vật chất
Ngành giáo dục tỉnh Hải Dương cũng xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học 2019 - 2020 là xóa phòng học tạm, phòng học xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện giáo dục, đào tạo theo quy định. Đồng thời, ngành quy hoạch, đầu tư nguồn lực, dành quỹ đất xây dựng trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, chế xuất và khu đông dân cư.
Tại Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An (thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), việc thi công khu vực nhà ăn bán trú cho học sinh đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2019. Khu nhà ăn bán trú khang trang được xây quy mô hai tầng, mỗi sàn 175m2, tầng 1 có 2 phòng ăn rộng rãi, tầng 2 là nơi nghỉ trưa cho các em học sinh nhà xa.
Cô Nguyễn Thị Thanh Bính, hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Với đặc thù là trường chất lượng cao nên trong tổng số 535 học sinh đến từ 25 xã, thị trấn có nhiều em nhà rất xa. Có những em hàng ngày phải đi quãng đường 17km đến trường, trưa vội về nhà ăn uống, có thể chưa kịp nghỉ ngơi đã phải đi để kịp giờ học chiều. Nay được xây nhà ăn bán trú, buổi trưa các em sẽ có không gian ăn trưa và nghỉ ngơi, không phải đi về vất vả nữa”.
Không riêng Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Hà, cơ sở vật chất của nhiều nhà trường cũng được cải tạo, xây mới. Ông Trần Duy Thược, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Hà thông tin, năm học 2019 – 2010, Thanh Hà tăng 1.435 học sinh, tăng 21 lớp so với năm học 2018 – 2019. “Phòng đã kiến nghị huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình để sớm đưa vào sử dụng trong năm học mới”, ông Thược cho biết.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, năm học mới sẽ xây thêm 23 phòng học, còn ở bậc mầm non, tại trường mầm non các xã Thanh Cường, Phượng Hoàng, thị trấn Thanh Hà, Hồng Lạc, An Lương cũng xây mới nhiều phòng học. Cấp trung học cơ sở, ngoài trường Chu Văn An, các trường như Trung học Cơ sở Thanh Cường, Trung học Cơ sở Trường Thành, Trung học Cơ sở Phượng Hoàng, Trung học Cơ sở Thanh Khê... cũng sớm hoàn thiện, ổn định cơ sở trường lớp.
Theo ông Đỗ Thế Ngọc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc: “Năm học này, Gia Lộc sẽ không còn tình trạng học sinh phải học nhờ, học tạm. Chỉ một số trường vẫn còn thiếu phòng học so với tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng các trường đều đã chủ động ngăn đôi phòng học hoặc sử dụng phòng chức năng để bổ sung nên không ảnh hưởng đến công tác dạy học”. Thời gian qua, Gia Lộc tập trung phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nên địa phương cũng đã tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Với trên 100 phòng học đã và đang được xây mới, thầy trò nhiều nhà trường mừng vui khi năm học này sẽ có thêm cơ ngơi khang trang để phục vụ công tác dạy học.
Các địa phương cũng tăng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, sẵn sàng cho năm học mới. Tại huyện Cẩm Giàng, do đặc thù là địa phương có nhiều khu công nghiệp nên dân số cơ học tăng nhanh, riêng năm học 2019 - 2020, tăng khoảng 1.400 học sinh. Trong 3 năm qua, huyện đã xây thêm 298 phòng học. Trước khai giảng năm học 2019 - 2020, dự kiến sẽ có thêm 35 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Cũng trong năm học này, các trường trên địa bàn huyện Nam Sách có thêm 83 phòng học, thành phố Hải Dương đưa vào sử dụng trên 100 phòng học mới...