Nhờ sự quyết liệt triển khai đồng bộ các Nghị quyết, Chỉ thị và Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh..., trong năm học 2018 - 2019, huyện Tân Uyên đã hoàn hành việc sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn, trở thành điển hình đi đầu của tỉnh trong việc sáp nhập các đơn vị trường học, tinh giản biên chế, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy và học.
Theo Đề án sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn của huyện Tân Uyên, huyện tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông. Theo đó, mỗi xã chỉ có một trường Mầm non, một trường Tiểu học và một trường Trung học Cơ sở; thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.
Năm học 2017 – 2018, xã Trung Đồng cũng như nhiều xã khác của huyện Tân Uyên vẫn còn hai trường Tiểu học là Trường Tiểu học Tát Xôm và Trường Tiểu học xã Trung Đồng. Thực hiện chủ trương sáp nhập, tổ chức lại các trường học của huyện Tân Uyên, trong năm học 2018 - 2019, Trung Đồng đã tiến hành sáp nhập hai trường này thành Trường Tiểu học xã Trung Đồng. Các cán bộ quản lý sau khi sáp nhập được sắp xếp đảm bảo tiêu chí, số lượng và chất lượng, yên tâm công tác cống hiến cho ngành Giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, trước đây là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tát Xôm, nay là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trung Đồng chia sẻ: “Cá nhân tôi luôn nhận thức rằng phải phấn đấu để cống hiến tâm huyết của mình, phấn đấu để làm những điều tốt nhất cho ngành Giáo dục chứ không phải đang là Hiệu trưởng xuống làm Hiệu phó mà không phấn đấu, rèn luyện. Với một trường mới sáp nhập, với đội ngũ giáo viên, nhân viên đông, bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, luôn tạo sự đoàn kết trong nhà trường để các thầy cô khác cùng học tập và làm theo, phấn đấu vì mục tiêu chung”.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trung Đồng cho biết, địa bàn của trường sau khi sáp nhập rất rộng, số lượng học sinh đông. Để đảm bảo được nhiệm vụ được giao, Ban Giám hiệu đã bàn bạc, thống nhất triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn.
Theo đó, Nhà trường rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện có và phân công sắp xếp từng giáo viên vào từng điểm trường, từng lớp cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi giáo viên; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên, giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của các thầy cô. Bên cạnh đó, trường tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài giờ, vừa là rèn kỹ năng sống cho học sinh, vừa là nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh, để đảm bảo chất lượng dạy học…
“Đặc biệt trong công tác chỉ đạo của Ban Giám hiệu, chúng tôi luôn đặt mục tiêu là phải đoàn kết, thống nhất; nhận thức của Ban Giám hiệu về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là phải đầy đủ và thông suốt, đảm bảo công tác chỉ đạo được tốt hơn, từ đó mới có thể nâng cao được chất lượng dạy học”, cô Nguyễn Thị Phương nói.
Theo lộ trình và kế hoạch đến năm 2030, huyện Tân Uyên mới phải hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị trường. Tuy nhiên, trong năm học 2018 – 2019, huyện đã thu gọn mạnh mẽ đầu mối các đơn vị trường học và hoàn thành việc sáp nhập, về đích sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra, từ 49 đơn vị trường năm 2015, giảm xuống chỉ còn 32 đơn vị trường năm 2018. Việc sáp nhập trường học đã giảm 21 cán bộ quản lý xuống làm giáo viên, 10 hiệu trưởng xuống làm phó hiệu trưởng. Đây là tiền đề thuận lợi để sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; điều chỉnh lại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, gắn với lộ trình xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Tân Uyên, ngay khi có văn bản của Trung ương và tỉnh Lai Châu về việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các trường học, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai tuyên truyền các văn bản đến các đối tượng chịu sự tác động và nhân dân. Đồng thời, thông qua hội nghị tổng kết, hội thảo, Phòng tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của tỉnh, của huyện trong việc sáp nhập các trường...
Liên quan đến vấn đề lựa chọn cán bộ quản lý sau khi sáp nhập, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Phòng tham mưu cho huyện ban hành bộ tiêu chí. Bộ tiêu chí này ngoài yêu cầu bằng cấp về chuyên môn, về chính trị, các loại văn bằng chứng chỉ, xếp loại..., còn ưu tiên đến các trường hợp đã từng công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn. “Đến thời điểm này, những đồng chí đủ tiêu chí làm Hiệu trưởng rất xứng đáng và những đồng chí làm Hiệu phó, làm giáo viên cũng rất vui vẻ”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Ông Nguyễn Sỹ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết, theo Kế hoạch số 154-KH/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy Lai Châu, lộ trình sẽ tiến hành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp từ 2018 đến hết năm 2030 mới kết thúc. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp giáo dục, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy Lai Châu đã chỉ đạo tại báo cáo số 02-BC/BCĐ, mỗi xã, mỗi bậc học chỉ có một trường. Vì vậy, UBND huyện đã tham mưu cho Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện sáp nhập đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Đến thời điểm hiện tại, huyện Tân Uyên đã thực hiện hoàn thành xong việc sắp xếp xong đối với các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cũng như làm tốt Bộ tiêu chí chấm điểm, lựa chọn cán bộ quản lý sau khi sáp nhập phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công bằng, dân chủ, huyện Tân Uyên đã trở thành đơn vị dẫn đầu tỉnh Lai Châu trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.