Ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các trường chứng kiến cuộc “tháo chạy” của thí sinh từ trường top trên xuống trường top giữa. Sự việc diễn ra hết sức căng thẳng, một số phụ huynh bật khóc khi chia sẻ với PV về cuộc đua xét tuyển đầy cam go trong những ngày qua.
Thí sinh căng thẳng xếp hàng nộp hồ sơ ngày cuối tại trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương |
Từ đầu giờ sáng, tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, hành lang, hội trường lớn đông nghẹt thí sinh. Sự căng thẳng, mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt của thí sinh và người nhà. Trường đã huy động tối đa lực lượng để làm công tác tuyển sinh, tránh xảy ra lộn xộn. Chị Nguyễn Thị Hà, một cán bộ phục vụ tuyển sinh ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Các cán bộ không nghỉ trưa để giải quyết hồ sơ cho các em. Những bàn phát số thứ tự cho thí sinh: rút hồ sơ, nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng được bố trí hợp lý. Tuy nhiên, có lúc không tránh khỏi tình trạng dồn ứ. Có tình trạng mạng bị nghẽn do lượng truy cập cùng thời điểm quá đông.
Tình trạng nghẽn mạng khiến không ít thí sinh sau khi đã rút hồ sơ của trường ĐH Kinh tế Quốc dân sang trường khác nộp thì vẫn chưa thấy tên mình bị xóa khỏi danh sách trường. Nhiều em quay lại trường để báo. Điều này gây nên sự mệt mỏi, căng thẳng và tốn thời gian cho thí sinh. Cán bộ tuyển sinh của trường phải liên tục phát loa thông báo: “Vì mạng đang nghẽn, có thể trong buổi chiều phần mềm mới xóa được tên các em ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nên thí sinh đã rút hồ sơ cứ yên tâm”.
Bà Nguyễn Thị Hồng (Hải Phòng) cho biết, con gái bà tốt nghiệp trường chuyên Trần Phú - Hải Phòng, học sinh giỏi 12 năm liền, năm nay thi khối D được 24,25 điểm. Với số điểm này, ban đầu em tự tin nộp vào Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngoại thương, nhưng đến ngày 17/8 thì rút ra vì không có cơ hội. Từ ngày 17/8 đến nay, 2 mẹ con thuê phòng trọ ở gần ĐH Kinh tế Quốc dân để hàng ngày đến trường theo dõi tình hình nhằm nộp hồ sơ. Tuy nhiên, sáng ngày 20/8, cơ hội vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn nên thí sinh này đã nộp vào Học viện Tài chính (dự kiến điểm chuẩn đến ngày 19/8 là 21,75 điểm). Bà Hồng bỗng bật khóc khi chia sẻ với PV: “Đã trọn 1 tuần nay mẹ con tôi thuê trọ ở Hà Nội để chầu trực xét tuyển. Rất mệt mỏi, tốn kém mà chưa biết tương lai của con tôi ra sao”.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 20/8 cũng rất đông thí sinh, phụ huynh đến các trường ĐH rút nộp hồ sơ trong tâm trạng hoang mang và lo lắng. Ngồi chờ rút hồ sơ tại trường ĐH Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh thí sinh Nguyễn Hữu Hiếu (Bình Phước) nói: “Cả điểm vùng nữa là em được 20,25. Mới đầu em nộp vào ngành kỹ thuật ô tô trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhưng không đủ điểm, em rút chuyển qua trường ĐH Công Nghiệp hôm qua tưởng đậu rồi hôm nay thì điểm của em lại nằm ngoài điểm an toàn. Em chỉ thích học ngành ô tô thôi giờ rút ra chắc em chuyển xuống học CĐ. Để theo dõi kỹ thì này em đã phải trọ ở thành phố cả tuần nay rồi. Đi đi, lại lại em thấy mệt mỏi quá”.
Kết thúc 20 ngày xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, những vấn đề thí sinh, phụ huynh đang gặp phải sẽ không còn trong đợt xét tuyển bổ sung và trong những kỳ thi tới. Sau khi kết thúc đợt tuyển sinh năm nay, Bộ sẽ tổ chức họp để trao đổi
rút kinh nghiệm. Sẽ có các Sở, các trường, các chuyên gia sẽ nghiên cứu,
trao đổi thông tin. Những mặt tốt chúng ta phát huy, những mặt nào còn
hạn chế chúng ta sẽ rút kinh nghiệm để sửa đổi, thay đổi cho tốt hơn.
Thầy Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng - đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh Việc Bộ GD - ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua là rất hợp lý, tiết kiệm chi phí sức lực cho ngành giáo dục cũng như phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, trong khâu xét tuyển vào ĐH, CĐ thì Bộ nên để các trường tự chủ tuyển sinh.
Thầy Lê Hiếu Giang, phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Trong năm tới, kỳ thi trung học phổ thông nên giao cho các địa phương tổ chức để công nhận tốt nghiệp cho các em. Còn lại nên tập trung nguồn lực để xây dựng một kỳ thi đánh giá năng lực chung cho cả nước, các em lấy kết quả kỳ thi năng lực đó để nộp xét tuyển vào các trường ĐH. |