Đã đến lúc, giáo dục Đại học cần lấy người sử dụng lao động làm trung tâm để khi người học ra trường đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học, quyết tâm xây dựng nền giáo dục Đại học trung thực, chất lượng.
Còn thiếu sót, sai phạm trong Đề án tuyển sinh
Đánh giá về công tác tuyển sinh Đại học, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết: Qua theo dõi cho thấy, công tác tuyển sinh Đại học ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường. Tuy nhiên, một số trường vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm. Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án.
Ông Nguyễn Huy Bằng chia sẻ: Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào, không có sinh viên, không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao nhưng không đúng năng lực thực tế. Có trường kê khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng. Những việc đó là sai quy định.
Ngoài kê khai không đúng danh sách giảng viên cơ hữu theo Đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ phê duyệt, một số trường công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành sức khoẻ không đúng Quy chế tuyển sinh, công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển trước khi học sinh có kết quả xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Điều này đang khiến xã hội băn khoăn lo lắng về chất lượng nguồn tuyển Đại học.
Nhắc nhở các trường Đại học tập trung rà soát hệ thống các văn bản, củng cố hệ thống quy định của mình theo đúng Thông tư 51 của Bộ để thực hiện nghiêm túc quy định Luật Giáo dục và Quy chế tuyển sinh, Chánh Thanh tra Bộ nhấn mạnh trong quá trình thực hiện có thể sáng tạo nhưng không được tùy ý du di theo ý hiểu cá nhân. Tất cả phải theo khung chung là quy chế, thông tư, nghị định. Đồng thời, các trường quán triệt công văn 2969 ngày 15/7/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thanh tra kiểm tra tuyển sinh để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra, cần hiểu rõ là thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường. Hiệu trưởng nếu quan tâm, thực hiện đúng quy định, tự trường đã loại được khá nhiều lỗi chuyên môn có thể do chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tuyển sinh là một chỉ số, quá trình đào tạo là một chỉ số nhưng quan trọng nhất, căn cơ và bài bản phải là các điều kiện đảm bảo chất lượng. Hiện nay, đại đa số các cơ sở giáo dục Đại học đã hình thành bộ phận tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động, tầm nhìn và cách tiếp cận còn rất khác biệt.
Đến nay, 251/2 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 218 trường đại học, 33 trường cao đẳng đã hoàn thành đánh giá và đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục; 6 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế. Như vậy còn khoảng 20 trường chưa làm đánh giá.
Về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, hiện nay, mới có 144 chương trình đào tạo trong số hàng nghìn chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, trong đó, 16 chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định trong nước, còn lại là đạt tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong tuyển sinh, đào tạo
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết: Sắp tới, ngoài việc xây dựng, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu giáo dục Đại học chi tiết đến từng sinh viên, từng giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gia tăng việc kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm trong tuyển sinh, đào tạo.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2019 đã tổ chức thành công, giúp các trường Đại học lấy kết quả đó làm căn cứ để xét tuyển. Hy vọng, các trường sẽ làm tốt hơn về chất lượng đào tạo từ nền tảng này.
Trước băn khoăn của một số trường trong vấn đề thí sinh ảo, nguyện vọng ảo dẫn đến việc nhiều trường buộc phải gọi quá tỷ lệ % chỉ tiêu tuyển sinh (dẫn đến bị phạt), Thứ trưởng Lê Hải An cho rằng, những lo lắng này là câu chuyện của ngày xưa. Thực tế hiện nay, vấn đề thí sinh ảo đã giảm gần như triệt để, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các nhóm xét tuyển tự động lọc ảo trước và hệ thống tự động chung của Bộ, vì vậy, công tác xét tuyển hiện rất nhẹ nhàng, công khai, minh bạch.
Đề cập đến những vấn đề quan trọng cần làm trong thời gian tới của các cơ sở giáo dục đại học, ông Mai Văn Trinh cho rằng: Các cơ sở giáo dục đại học có ba vấn đề cơ bản cần làm: Thứ nhất, vấn đề căn cốt nhất, bài bản nhất là chăm lo để phát triển hoàn thiện hệ thống đào tạo bên trong, cụ thể là các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cùng với đó là cơ chế quản lý, đội ngũ cán bộ bao gồm cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo. Đặc biệt, các trường cần quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng và trước mắt là trách nhiệm với mỗi sinh viên; đào tạo sinh viên như thế nào để sau quá trình đào tạo các em có việc làm.
Vấn đề thứ hai là phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Mỗi cơ sở giáo dục đại học phải chịu trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm của mình với xã hội.
Vấn đề thứ ba, trong thời gian tới, các trường cần tập trung mạnh vào kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Tại Khoản 5 Điều 33, Luật Giáo dục Đại học đã quy định: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Đồng thời, cơ sở giáo dục đào tạo, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là vấn đề hết sức cốt lõi. Vì vậy, các trường cần vận hành theo kế hoạch để thực hiện điều này.