Sinh viên năm cuối được kết hợp học online và trực tiếp

Gần nửa năm học online vì dịch COVID-19, thời điểm này nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn được trở lại trường học để hoàn thiện bài thực hành chuẩn bị cho các kỳ thi, đợt bảo vệ khoá luận sắp tới.

Mong sớm trở lại trường  

Sinh viên Nguyễn Thuỳ Trang (năm thứ 4, Trường Đại học Văn hoá, Hà Nội) đã bị lỡ nhiều kế hoạch vì dịch COVID-19. Lịch thực tập từ tháng 4, tháng 5/2021, nhưng đã phải lùi đến tháng 11/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch bệnh ở Hà Nội tiếp tục có diễn biến phức tạp, Thuỳ Trang lo lắng không biết bản thân có hoàn thành được đợt thực tập này hay không. Bên cạnh đó, do phải về quê học online tránh dịch, Thuỳ Trang cho biết bản thân đã bị bỏ lỡ nhiều kế hoạch thực hành cũng như tiếp xúc với thầy, cô. Sinh viên này lo lắng việc bảo vệ sẽ không được như ý. 

Chú thích ảnh
Nhiều sinh viên chọn ở lại ký túc xá của trường để hoàn thiện năm học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ảnh: Lê Vân 

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đúng lúc các sinh viên bước vào thi cuối kỳ cũng như bảo vệ khoá luận. Nhiều sinh viên đã phải ở lại ký túc xá hoàn thiện kỳ thi. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều em đã bị kẹt lại ký túc xá của trường. Sinh viên Nguyễn Quốc Thắng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường, đây là tin vui và mong sinh viên cũng sớm trở lại trường. Em xác định sẽ ở gần trường để thuận lợi cho việc bảo vệ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh việc đi lại sẽ rất khó khăn nếu em ở quê.  

Theo ghi nhận, đến nay, tại Hà Nội, một số trường đại học đã có dự kiến mở lại trường đón sinh viên như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ưu tiên sinh viên năm cuối và năm thứ 4 quay trở lại trường từ sau ngày 25/11; sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 2 từ sau ngày 15/12. Riêng sinh viên năm thứ nhất chưa đến trường.  

Tại TP Hồ Chí Minh cũng có phương án cho sinh viên trở lại trường, đặc biệt với những sinh viên năm cuối và trường yêu cầu thực hành nhiều. Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh có thông báo về việc tổ chức thí điểm dạy và học trực tiếp tại một số trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố. Học sinh, sinh viên năm cuối của 4 trường cao đẳng: Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng, Nghề TP Hồ Chí Minh Đại Việt Sài Gòn và Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương sẽ trở lại trường để học trực tiếp các môn lý thuyết lẫn thực hành từ ngày 20/12 đến 7/1/2022.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ) đã cho sinh viên học trực tiếp tại trường từ 6/12. Nhà trường mở lại các học phần có nội dung thực hành cho sinh viên khóa 2018 trở về trước chưa hoàn tất giảng dạy trong học kỳ II và các học phần thực hành của học kỳ I (năm học 2021-2022).

Trường tiếp tục tổ chức học phần có nội dung thực hành chưa hoàn tất giảng dạy cho sinh viên các khóa từ 2019 trở về sau. Theo đó, việc này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên khóa 2018 trở về trước không bị trễ tiến độ học tập do ảnh hưởng của dịch COVID-19.  

Trường được linh hoạt tổ chức dạy học 

Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có hướng dẫn tổ chức đào tạo cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh năm cuối bị tác động của dịch COVID-19.  

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện: Căn cứ vào yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương, các cơ sở đào tạo áp dụng biện pháp tổ chức đào tạo phù hợp; tổ chức thành các nhóm nhỏ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh năm cuối (gọi chung là người học) với số lượng bảo đảm theo quy định để tổ chức hoạt động thực hành, thực tập, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập các học phần của chương trình đào tạo chưa chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến toàn phần.

Các cơ sở đào tạo tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để người học hoàn thành khóa học bằng cách tổ chức hoạt động dạy và học, đánh giá kết quả học tập và đánh giá tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo bắt buộc phải học trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc cơ sở thực hành/thực tập, cơ sở đào tạo chủ động điều chỉnh kế hoạch và gia hạn thời gian học tập, nghiên cứu và bảo vệ tốt nghiệp cho các khoá đào tạo trong thời gian không học tập trung do dịch COVID-19, chỉ kết thúc học phần/khóa học khi người học được đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần/chương trình đào tạo.

Các cơ sở đào tạo thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng tập trung vào đổi mới quản trị nhà trường và phương pháp dạy và học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và người học; xây dựng và phát triển học liệu số, thực hiện chuyển đổi các học phần sang hình thức đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc đào tạo trực tuyến toàn phần với chuẩn đầu ra như đối với đào tạo trực tiếp.

Theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở đào tạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động thích ứng, linh hoạt, an toàn, hiệu quả với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm an toàn cho người học, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trong trạng thái bình thường mới. Tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại cơ sở, địa phương, tổ chức cho người học được tiêm phòng COVID-19.

Lê Vân/Báo Tin tức
Đồng Nai: Triển khai phương án đưa học sinh, sinh viên đi học trở lại
Đồng Nai: Triển khai phương án đưa học sinh, sinh viên đi học trở lại

Từ ngày 22/11 đến 1/12/2021, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ chọn từ 1-4 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại và đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN