Gói hỗ trợ giáo dục có giá trị lên tới hơn 18 tỷ AUD (tương đương 10,8 tỷ USD) sẽ được phân bổ bắt đầu từ tháng Năm. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là toàn bộ gói hỗ trợ trên chỉ dành cho sinh viên trong nước, mà không có bất kỳ một điều khoản nào dành cho các đối tượng là sinh viên quốc tế.
Bản thân quyền Bộ trưởng Di trú Australia Alan Tudge cũng cho biết những người đang cư trú tại Australia theo hình thức thị thực tạm trú cần chủ động thu xếp nguồn tài chính cho bản thân và gia đình, bao gồm cả sinh viên quốc tế. Thông báo này khẳng định lại một tuyên bố trước đó của Thủ tướng Australia Scott Morrison rằng: “Những người đang tạm trú không bị bắt buộc ở lại Australia, và nếu không thể thu xếp tài chính cho bản thân, thì họ có một lựa chọn khác là trở về quê hương”.
Đại diện Công ty tư vấn du học ATS tại Australia Nguyễn Thùy Linh, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam tại Australia, cho biết các chính sách của Chính phủ Australia đối với sinh viên quốc tế cho đến nay đã khá rõ ràng và minh bạch. Mặc dù du học sinh không được truy cập vào các khoản hỗ trợ giống như sinh viên bản địa, nhưng trong thông báo của quyền Bộ trưởng Di trú nêu rõ: “Người nước ngoài và các sinh viên quốc tế, cư trú trên 12 tháng tại Australia, nếu gặp khó khăn về tài chính sẽ được quyền rút tiền từ Quỹ hưu trí của mình, với mức tối đa là 10.000 AUD (tương đương 6.000 USD)”. Riêng đối với những du học sinh mới theo học tại Australia dưới 12 tháng, thì một trong những điều kiện của thị thực là sinh viên đó phải đảm bảo có đủ tài chính để trang trải cho ít nhất 12 tháng đầu tiên. Vì vậy, về cơ bản, Chính phủ Australia đã xem xét và có những biện pháp hỗ trợ dành riêng cho nhóm đối tượng là người nước ngoài và sinh viên quốc tế.
Đối với các cơ sở đại học, phần lớn các trường đại học tại Australia cũng đã có động thái cập nhật thông báo hỗ trợ tài chính và linh hoạt điều kiện học dành cho sinh viên quốc tế. Trường Đại học Deakin tuyên bố chi 25 triệu AUD (tương đương 15 triệu USD) để hỗ trợ sinh viên quốc tế gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19. Đại học Monash khẳng định dành 15 triệu AUD (tương đương 9 triệu USD) cho các sinh viên quốc tế, trong khi một số các trường đại học khác, như Western Sydney, La Trobe, Flinder, Swinburne, UTS… cũng đều cho biết sẽ hỗ trợ theo các hình thức khác nhau. Có trường tiến hành giảm học phí trong các kỳ học của năm 2020 và kỳ đầu năm 2021, có trường cho phép du học sinh được đóng học phí theo hình thức trả góp hay lùi thời hạn đóng học phí và cả thời hạn xin hoàn phí cho du học sinh muốn tạm dừng việc học, cũng như hỗ trợ những sinh viên quốc tế không thể tới nhập học do lệnh cấm nhập cảnh.
Đại diện Công ty ATS nhận định hiện các trường đại học tại Australia đều đang linh hoạt trong chính sách dành cho sinh viên quốc tế. 100% các trường đều đã chuyển sang hình thức đào tạo online, thậm chí cho phép sinh viên quốc tế được trở về quê hương và học tập theo hình thức đào tạo từ xa, để đảm bảo an toàn cao nhất cho sinh viên trong mùa dịch. Những gói hỗ trợ tài chính mà các trường đưa ra cũng tương đối phù hợp, có thể giúp được một số nhóm du học sinh nhất định. Tuy nhiên, chị Thùy Linh chia sẻ mỗi trường tự áp dụng các chính sách khác nhau, khá rải rác và thiếu đồng bộ. Việc chuyển sang hình thức đào tạo online sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu như việc học tập trên lớp, làm giảm chất lượng giáo dục tiêu chuẩn cao của Australia. Theo chị Thùy Linh, ngành giáo dục Australia cần cân nhắc việc giảm học phí đồng đều cho sinh viên quốc tế, ít nhất là 10%, áp dụng trên tất cả các trường đại học, trong cả hai kỳ chính của năm học 2020.
Cùng ý kiến trên, Giám đốc Công ty Tư vấn định cư và du học Edunetwork Australia, Brian Quang Dinh, cho biết vấn đề cần phải làm rõ đối với các cấp từ chính quyền liên bang, tiểu bang, ngành giáo dục nói chung và các trường đại học tại Australia nói riêng đó là sự nhất quán và đồng bộ. Ông Brian phân tích tuyên bố của Chính phủ Australia rằng trách nhiệm hỗ trợ sinh viên quốc tế là do các trường đại học tự thực hiện. Điều đó dẫn tới mỗi trường sẽ áp dụng các chính sách hoàn toàn khác nhau, mang tính chất tự phát và không có quy định cụ thể, khiến hiệu quả không đồng đều và còn bỏ sót rất nhiều các trường hợp cần giúp đỡ. Có trường đã rất kịp thời và linh hoạt trong các biện pháp hỗ trợ sinh viên quốc tế, nhưng cũng có những trường lại hoàn toàn không có giải pháp gì, hoặc giải pháp mang tính chung chung, chưa thỏa đáng.
Lấy ví dụ trường hợp một du học sinh đang theo học khóa tiếng Anh ngắn hạn 6 tháng tại một trường đại học của Australia, ông Brian kể: “Du học sinh này hiện đã phải chuyển sang hình thức học online thay vì đến lớp như thường ngày. Cá nhân bạn đánh giá trình độ tiếp thu và hiệu quả học theo phương pháp online giảm sút hơn rất nhiều so với việc học trực tiếp với thầy, cô giáo trên lớp. Trong khi đó, bạn đã đóng đủ học phí cho cả khóa học dành cho hình thức đào tạo tập trung từ trước khi đi du học và trường của bạn không có bất kỳ thông báo nào sẽ giảm và hoàn trả một phần học phí, hay hỗ trợ thêm như kéo dài thời gian học, tăng cường bổ sung các biện pháp giúp đỡ sinh viên từ xa… Do đó, bạn cảm thấy trường học đang thiếu quan tâm tới sinh viên và chưa có các hình thức hỗ trợ thỏa đáng”. Điều đó cho thấy cần ban hành các quy định hỗ trợ thống nhất đối với các trường đại học Australia.
Giám đốc Edunetwork cũng cho rằng các trường đại học cần xem xét gia hạn thời gian khóa học dành cho sinh viên quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch không thể hoàn thành đủ nội dung khóa học. Ngoài ra, Bộ Di trú và Chính phủ Australia có thể cân nhắc các biện pháp hỗ trợ bổ sung về chính sách cấp thị thực đối với du học sinh. Theo ông Brian, chi phí xin thị thực mới cho du học sinh tại Australia là khá cao, bao gồm phí cấp thị thực, phí khám sức khỏe... Hiện Bộ Di trú Australia đã có một số linh hoạt nhất định dành cho các sinh viên nước ngoài như nới lỏng quy định bắt buộc phải học tập (kể cả học online) trên lãnh thổ Australia, nhưng chưa có các chế độ ưu đãi giảm giá hoặc miễn phí phí thị thực cho những trường hợp du học sinh cần gia hạn thời gian học và phải xin cấp lại một thị thực mới. Những hỗ trợ này tuy nhỏ, nhưng cũng phần nào khích lệ đáng kể đối với sinh viên quốc tế, để họ có thêm cơ sở đương đầu với những khó khăn của đại dịch, đảm bảo kế hoạch học tập tại Australia.
Bài cuối: Tiếp sức cho du học sinh Việt Nam