Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH, CĐ đang cần rất nhiều “bệ đỡ”. Ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT đã có những chia sẻ với Tin Tức về khó khăn và giải pháp của công tác kiểm định các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới.
´Thưa ông, hiện nay công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ “quên” nhiều tiêu chí. Từ góc độ quản lý, ông có chia sẻ gì về những khó khăn mà các trường này đang gặp phải?
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với các trường là chưa có văn bản quy định về mức chi cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ GD - DT đang phối hợp với Bộ Tài chính để cùng thống nhất sớm ban hành văn bản này trong năm 2011. Cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động đảm bảo chất lượng đối với các trường chưa phong phú. Bộ mới chủ trương khuyến khích hoạt động kiểm định chất lượng bằng cách tính điểm thi đua và xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Nhưng đối với nhiều trường (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa hoặc trường dân lập, tư thục), biện pháp này chưa hấp dẫn do trường còn chưa tuyển sinh hết số chỉ tiêu được phân bổ.
Thực tế, nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường ĐH, CĐ nói riêng và toàn xã hội nói chung về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng chưa sâu sắc. Một số chưa thấy được vai trò của công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ. Điều này dẫn đến việc triển khai công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ở một số trường còn mang tính hình thức. Chất lượng của báo cáo tự đánh giá chưa cao, vai trò của các trung tâm, phòng hoặc tổ chức đảm bảo chất lượng còn chưa được phát huy, công tác cải tiến chất lượng còn bị hạn chế.
Còn khá nhiều trường ĐH, CĐ chưa thực sự quan tâm đến việc thành lập đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng. Một số trường đã thành lập đơn vị chuyên trách nhưng việc quy định chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa có kinh phí cho các đơn vị này hoạt động. Phần lớn cán bộ đều từ các chuyên ngành khác chuyển sang làm công tác kiểm định nên rất ít người được đào tạo bài bản về chuyên môn, công tác đào tạo bồi dưỡng chưa được chú trọng thường xuyên.
Công tác tự đánh giá ở nhiều trường gặp nhiều khó khăn do cán bộ chuyên trách chưa thực sự nắm bắt được công việc sau những đợt tham dự tập huấn do Bộ GD - ĐT tổ chức và chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Số lượng báo cáo tự đánh giá ngoài đã hoàn thành và gửi về Bộ ngày một nhiều. Tuy nhiên, hoạt động đánh giá ngoài mới được triển khai đối với 40 trường (chiếm 40%), do chưa có tổ chức kiểm định giáo dục, nên sức ép lớn đối với các trường cũng như đối với cơ quan quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục.
Vậy trong thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ làm gì để nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường ĐH, CĐ?
Việc thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp gần nhất và đang trong quá trình chuẩn bị. Hiện nay, Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về việc thành lập và giải thể, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Sau khi Thông tư này được ban hành, sẽ xúc tiến việc thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đảm đương việc đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Bộ GD - ĐT đã xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011 - 2020”. Trong đó đề cập đến các giải pháp như: Củng cố và hoàn thiện hệ thống văn bản về kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng, phát triển và tăng cường năng lực cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, triển khai đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực này. Đảm bảo đến năm 2015 có trên 90% số trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài (vòng 1), đảm bảo giai đoạn 2016 - 2020 có trên 95% số trường ĐH, CĐ và chương trình giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá đăng ký đánh giá ngoài (vòng 2).
Thời gian tới, Bộ sẽ khẩn trương ban hành các thông tư về: Điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường ĐH, CĐ, TCCN; mức chi cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục; kế hoạch phát triển hệ thống các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH, TCCN giai đoạn 2011 - 2015; sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các trường ĐH, CĐ, TCCN.
Đặc biệt, sẽ khuyến khích các trường ĐH, CĐ đăng ký kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Lê Vân