Qua đó, ngành Giáo dục chỉ đạo triển khai trong các trường học nhiều giải pháp về phòng, chống ma túy với mục tiêu “Trường học xanh - sạch - an toàn - không khói thuốc lá”, “Mỗi trường học là một thành lũy thép".
Để giúp học sinh, thanh, thiếu niên hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, ngành Giáo dục, các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Tiêu biểu như các diễn đàn, triển lãm về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS được tổ chức trong trường học. Một trong những chương trình tác động mạnh mẽ tới học sinh tại Sơn La là triển lãm ảnh "Câu chuyện về sự nỗ lực" do Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương phối hợp cùng tỉnh Sơn La tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương cho biết, mục đích của chương trình là cập nhật cho thanh, thiếu niên kiến thức, kỹ năng, tình huống trong cuộc sống, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, thanh, thiếu niên về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. Cùng với đó, tạo sự ủng hộ của chính quyền địa phương, hình thành môi trường thuận lợi cho thanh niên sau cai nghiện may túy tái hòa nhập cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và hỗ trợ người có hoàn cảnh giống mình tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, nhiều trường học tại Sơn La đã đổi mới việc triển khai các hoạt động phòng, chống ma túy. Trong đó, các trường chú trọng phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ tổ chức tuyên truyền trực quan thông qua bảng tin, pano, áp phích, tờ rơi, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Việc tổ chức tuyên truyền, vận động tập trung vào đối tượng nguy cơ cao như học sinh có bố, mẹ đi làm ăn xa, học sinh là người dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh cá biệt nghiện trò chơi điện tử...
Bà Phạm Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La chia sẻ, thông qua các buổi họp phụ huynh, tiết sinh hoạt, hoạt động trải nghiệm, đơn vị đã tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như học sinh về tác hại của ma túy. Cùng với đó, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an làm tốt công tác phòng, chống ma túy trong trường học. Nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo không khí sôi nổi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, toàn ngành đang triển khai 25 loại mô hình với hơn 400 mô hình phòng, chống ma túy hoạt động ở các cơ sở giáo dục. Nhiều mô hình đã phát huy vai trò, hiệu quả cao trong công tác phòng, chống ma túy như mô hình “Tổ an ninh bí mật”, “Đội thanh niên xung kích phòng, chống ma túy”, “Đội thiếu niên xung kích”.
Ông Cầm Văn An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, nhận thức, ý thức phòng chống ma túy và các chất gây nghiện của cán bộ, viên chức, học sinh đã được nâng lên. Thời gian tới, ngành Giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và của UBND tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Từ đó, đẩy mạnh công tác giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy. Đặc biệt là tác hại của các loại ma túy, chất hướng thần, các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên, ma túy tổng hợp.
Cùng với đó, ngành hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, học sinh và các tập thể, đơn vị ký cam kết không tham gia tệ nạn ma túy vào đầu năm học; lồng ghép việc tuyên truyền về phòng, chống ma túy với hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao, thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy.