Kết thúc năm học, tại các đơn vị có giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố, cơ sở giáo dục nghề nghiệp), 1.935 học viên đã bỏ học, chiếm 7,96%.
Nguyên nhân dẫn đến học viên bỏ học tăng do đầu vào của hệ giáo dục thường xuyên hầu hết là học sinh có kết quả học tập không cao, không có sự sàng lọc, nhiều em bỏ học bởi lực học yếu kém, không theo kịp chương trình. Đa số các em đều tham gia học trung cấp nghề. Do vậy, chương trình học gồm vừa học nghề, vừa học văn hóa phần nào áp lực cho các em. Vì vậy, nhiều em cảm thấy không theo kịp. Sau một thời gian học tập, học viên cảm thấy không phù hợp với nghề nghiệp đã được lựa chọn đầu năm nên bỏ học...
Cơ sở vật chất của nhiều đơn vị còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện… ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài học của học sinh. Hoạt động trải nghiệm trong môn học còn ít dẫn đến hiệu quả giáo dục chưa cao, các em dễ chán nản học, bỏ học. Mặt khác, sau COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều gia đình thay đổi chỗ ở do công việc, các em phải dừng việc học để di chuyển theo.
Về giải pháp trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết sẽ chủ động trao đổi với phụ huynh tìm hiểu nguyên nhân, động viên kịp thời, tạo nhiều cơ hội, điều kiện như cấp học bổng, tăng cường phụ đạo học viên có học lực yếu, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá sự tiến bộ của người học.
Ngành giáo dục và đào tạo tăng cường tư vấn, hỗ trợ kịp thời ngay từ đầu để giúp các em có được sự lựa chọn đúng đắn, định hướng nghề nghiệp theo học phù hợp sở thích, năng lực của học viên. Ngành tổ chức các buổi tọa đàm, định hướng nghề nghiệp để học sinh định hướng chính xác về nghề học sinh theo học tại trường.
Các đơn vị nghiên cứu xây dựng kế hoạch giáo dục khi dạy Chương trình giáo dục thường xuyên với Chương trình học nghề một cách phù hợp, linh hoạt để có thể giảm thời lượng học tập cả 2 Chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa cho học viên. Nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm phù hợp nhằm tạo sân chơi, câu lạc bộ giao lưu một cách đa dạng, phong phú, sinh động giúp người học thích nghi với môi trường mới.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên mới như: Bổ sung kịp thời biên chế đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các đơn vị; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị.