Tạo chính sách phát triển đội ngũ giáo viên tại chỗ ở vùng khó

Trong số hơn 1 triệu nhà giáo trên cả nước đang hàng ngày đóng góp vào sự nghiệp trồng người, những nhà giáo vùng khó đang phải vượt qua muôn vàn khó khăn để bám trường, bám lớp, mang cái chữ đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012), phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Minh (ảnh), Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) xung quanh các chính sách đào tạo, bồi dưỡng với nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo đang công tác ở vùng khó.

 

´Trong bối cảnh "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", công tác đào tạo đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên vùng khó nói riêng được thực hiện ra sao, thưa ông?


Trong công cuộc đổi mới đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục thì ngành giáo dục đã đưa ra 7 đề án trong Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ GD - ĐT. Đó là: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm. Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm. Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên. Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm. Kiểm định chất lượng các trường sư phạm nhằm đánh giá và công bố định kỳ chất lượng các trường sư phạm, các chương trình đào tạo giáo viên, góp phần thực hiện "3 công khai", xây dựng chất lượng các trường sư phạm ngang tầm khu vực và quốc tế.


Song song với đó ngành phải thực hiện tốt qui hoạch nhân lực, gắn hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên với quy hoạch nhân lực giáo dục của các địa phương. Tăng cường các nội dung về tiếng dân tộc trong việc đào tạo sinh viên cử tuyển, các lớp đào tạo liên kết ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đối với các vùng khó khăn thì hoàn thiện chính sách tạo nguồn tuyển sinh sư phạm cho người dân tộc thiểu số và ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ, đào tạo dự bị, cử tuyển đại học, tạo điều kiện phát triển đội ngũ giáo viên tại chỗ, phù hợp với thực tế và tạo sự ổn định lâu dài.

 

´Cung ứng nhân lực nhưng cần phải có chính sách bồi dưỡng lâu dài, vậy Bộ GD - ĐT đã thực hiện và đổi mới công tác này như thế nào, thưa ông?


Bộ GD - ĐT đã triển khai có hiệu quả qui chế và chương trình bồi dưỡng thường xuyên mới cho giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (theo hướng mở, dựa trên nhu cầu người học). Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên và cán bộ quản lý các vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số. Bộ GD - ĐT đã và đang tích cực xây dựng 7 chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý về tiếng dân tộc gồm: Jrai, H’Mông, Khmer, Hoa, Êđê, Chăm, Bahnar (hiện nay đã xây dựng được chương trình bồi dưỡng cho tiếng Jrai, H’Mông, Khmer). Tích cực thực hiện bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc theo Nghị định 82/2010 của Chính phủ “Qui định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”.


Bên cạnh đó, bồi dưỡng giảng viên ĐH, CĐ: Bồi dưỡng các chuyên đề trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ nhằm tiếp cận với tri thức và thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới. Kết hợp chặt chẽ công tác bồi dưỡng giảng viên với công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất theo hướng đưa kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất thành một tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giảng viên.

 

´Ngành giáo dục đã và sắp có chế độ, chính sách như thế nào đối với những nhà giáo vùng khó giúp họ yên tâm gắn bó hơn với công tác giảng dạy đang còn nhiều khó khăn ở các vùng, miền?


Chúng tôi xây dựng và hoàn thiện một số quy định (theo Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học) về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.


Cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) theo hướng khắc phục những bất cập hiện nay, tạo động lực đủ mạnh cho nhà giáo và CBQLGD toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi và chế độ nhà công vụ đối với nhà giáo và CBQLGD công tác ở các vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ở các trường chuyên biệt. Có chính sách đặc thù để thu hút người giỏi về công tác tại các vùng khó khăn.


Xin cảm ơn ông!


Lê Vân (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN