Điều ấn tượng nhất với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (ảnh) trong năm 2013 là việc Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD - ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Những chia sẻ về quyết sách với vùng khó, lương giáo viên, thưởng Tết cho giáo viên đã được “tư lệnh ngành” trải lòng với báo chí nhân dịp Xuân về.
Thưa Bộ trưởng, điều gì tâm đắc, trăn trở nhất của Bộ trưởng về tình hình giáo dục năm 2013?
Điều tâm đắc nhất trong năm 2013 đối với cá nhân tôi là Trung ương Đảng ra Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT". Đó là kết quả không chỉ riêng trong Đảng, mà của cả xã hội, trong đó có các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, lực lượng các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước đã tham gia góp ý, đánh giá, hiến kế với mong muốn chấn hưng nền giáo dục.
Còn trăn trở thì nhiều lắm. Khi Trung ương chưa ra Nghị quyết số 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chúng tôi đã tập trung góp phần cùng các cơ quan hữu quan chuẩn bị đề án để Trung ương thông qua. Nay ban hành Nghị quyết rồi, chúng tôi sẽ lo việc tổ chức, phối hợp triển khai trong phạm vi ngành giáo dục, tham mưu cho Chính phủ để phối hợp hành động chung của cả xã hội, đưa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) vào cuộc sống.
Chúng tôi thấy mình đã cố gắng hết sức, đã làm, đã có những kết quả và cũng đã nhận được những sự đánh giá không chỉ của đồng bào, nhân dân, phụ huynh, mà cả của quốc tế nữa.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục giao 9 nhiệm vụ, giải pháp cho ngành GD-ĐT. Vậy Bộ trưởng sẽ ưu tiên thực hiện những công việc gì trước?
Trước hết phải thiết kế xong chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Sau đó thay đổi hoạt động đào tạo của các trường sư phạm. Tiếp đến là tìm mọi cách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, sáng tạo cho sinh viên.
Chúng ta phải bắt đầu từ việc thiết kế chương trình, SGK phổ thông để có mục tiêu đổi mới sư phạm, tức là sư phạm phải lấy đổi mới giáo dục phổ thông làm đích để phục vụ, từ đó sẽ đi đến cấu trúc lại phương pháp đào tạo sư phạm. Hiện Bộ GD - ĐT đã huy động các chuyên gia, trong đó có các giảng viên trường sư phạm thiết kế chương trình, SGK phổ thông, rồi từ đó tính toán đổi mới hệ thống đào tạo sư phạm. Mặt khác, việc đổi mới quản lý giáo dục đại học đã được triển khai rất nhiều bước quan trọng, tới đây sẽ đi vào thực chất, có chiều sâu, trọng điểm hơn nữa.
Kinh phí để thực hiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Bộ trưởng có thể chia sẻ về điều này?
Hiện chúng tôi chưa tính toán chi tiết. Nhưng chúng ta biết, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có nhiều đề án khác nhau: Đổi mới chương trình - SGK, đổi mới cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên... Từng đề án sẽ được cân đối và tính toán. Các nguồn kinh phí được lồng ghép với nhau, không tách bạch ra. Ví dụ, đề án xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đặt ra ở đây, nhưng kinh phí bố trí sẽ lại nằm ở chương trình kiên cố hóa trường lớp học.
Hay như kinh phí để bảo đảm đời sống của giáo viên chắc chắn không nằm ở đề án này, mà ở đề án tiền lương đang được Ủy ban cải cách tiền lương cán bộ công chức đang chuẩn bị, vì giáo viên công lập là công chức. Vì thế, bậc lương, các loại phụ cấp của giáo viên tới đây, sẽ được tính toán tại đề án cải cách tiền lương cán bộ công chức, trên tinh thần của Nghị quyết 29 và tổng quỹ lương. Còn lương cho giáo viên ngoài công lập sẽ do các cơ sở tự chủ chứ không tính toán ở đề án này.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã nêu rõ: Phấn đấu từng bước, đảm bảo đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng hoạt động giáo dục. Có lần tôi đã phát biểu: Hiện chúng ta chưa có đủ điều kiện để đảm bảo cho các hoạt động giáo dục triển khai một cách bình thường. Giáo viên phải đảm bảo 40 học sinh/lớp, thì chúng ta đang ở con số 60 học sinh; phải học 2 buổi/ngày thì chúng ta đang học 1 buổi/ngày, thậm chí chưa được 1 buổi. Cách đây cả mấy chục năm đã quy định tỷ lệ 80/20 ngân sách Nhà nước ở trường phổ thông.
Tức là ngân sách Nhà nước cấp 100%, thì 80% để trả lương cho thầy cô giáo và cán bộ quản lý, 20% để cho các hoạt động giáo dục. Nhưng thực tế, hầu như toàn bộ ngân sách cấp cho nhà trường chỉ đủ chi lương, chiếm tới 80 - 90%, thậm chí 95%. Nghĩa là không còn kinh phí cho phấn, giấy bút, văn phòng phẩm để tổ chức hoạt động. Trung ương đã thảo luận và trong Nghị quyết đã khẳng định “phấn đấu từng bước”. Phải từng bước là vì ngân sách chưa đáp ứng đầy đủ ngay được.
Quyết định có lợi cho học sinh dân tộc mà Bộ trưởng tâm đắc trong năm qua là gì?
Quyết định mới nhất của Thủ tướng do chúng tôi đề xuất đó là các cháu học sinh dân tộc đỗ đại học được hưởng chế độ như học sinh cử tuyển. Từ thực tế là học sinh cử tuyển (học yếu, không đỗ đại học) nhưng được đào tạo theo địa chỉ để về xây dựng quê hương, học sinh diện này được hưởng chế độ ưu tiên của Nhà nước; trong khi đó, học sinh con em dân tộc giỏi tự đỗ ĐH thì không được hưởng chính sách nào, tự bà con nuôi con ăn học.
Vô hình trung, như vậy chính sách Nhà nước lại khuyến khích người học yếu, không khuyến khích người học giỏi. Trong khi đó, muốn có lực lượng mạnh, bền vững để xây dựng địa bàn dân tộc, vùng khó khăn thì tốt nhất là huy động con người tại chỗ, hiệu quả hơn nhiều so với huy động người dưới xuôi lên. Vì thế, mấy năm chúng tôi đã kiên trì đề xuất chính sách cho học sinh dân tộc đỗ đại học, rất mừng là Thủ tướng đã ký quyết định để học sinh dân tộc thi đỗ ĐH cũng được hưởng ưu tiên như diện cử tuyển.
Tiếp đến là chính sách dành cho giáo viên là người Kinh lên công tác ở vùng miền núi, dân tộc. Chúng ta có phụ cấp thu hút các thầy cô giáo người miền xuôi lên miền núi làm việc trong 5 năm vì theo thiết kế sau 5 năm sẽ được về xuôi, khi về lại không được hưởng phụ cấp thu hút nữa. Nhưng thực tế, nhiều thầy cô sau 5 năm không về xuôi được. Một phần do không còn chỗ trống, phần do nhiều thầy cô không muốn về mà ở lại gắn bó với nơi làm việc mới. Thầy cô phải ở lại và phụ cấp thu hút bị cắt sau 5 năm.
Trong khi đó, một cô giáo mới ở dưới xuôi lên công tác, được hưởng phụ cấp thu hút nên lương cao hơn nhiều so với giáo viên đã có thâm niên ở miền núi. Đó là một bất cập. Thực tế có nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình ở vùng miền núi, dân tộc, vì không phải cô giáo nào cũng tìm được hạnh phúc gia đình ở vùng đất đó. Rất vui là sau một thời gian kiên trì đề xuất, Chính phủ đã quyết định giữ nguyên phụ cấp thu hút cho giáo viên vùng miền núi. Tôi nhớ lại những chuyến công tác lên miền núi vào dịp cận Tết, có những cô giáo đi bộ cả chục km đường rừng ra gặp tôi, mang theo cơm nắm, chai nước để cùng ngồi ăn với nhau. Xúc động lắm với những tấm lòng giáo viên như vậy.
Bộ trưởng suy nghĩ gì về lương của giáo viên hiện nay?
Vấn đề lương đã được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, đã có khẳng định tương tự như lần này, nhưng chưa làm được. Có nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Để giải quyết tiền lương cho giáo viên thì liên quan đến nhiều người khác, nhiều ngành khác, không thể giải quyết biệt lập cho ngành giáo dục được. Nguồn lực kinh tế của đất nước cũng còn nhỏ bé, chưa cho phép giải quyết một cách triệt để nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tiền lương nói chung, lương giáo viên nói riêng theo ý muốn của chúng ta. Nghị quyết lần này khẳng định một lần nữa về vấn đề lương để nêu lại quyết tâm làm.
Về phía ngành giáo dục, ngoài vấn đề lương, chúng tôi còn quan tâm đến phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên, phụ cấp với cán bộ quản lý giáo dục, các chế độ dành cho giáo viên miền núi, GS - PGS - TS đến 60 tuổi có thể làm thêm, cơ sở vật chất làm việc cho các GS - PGS ở các nhà trường... Cùng với đó là các hình thức tôn vinh về mặt tinh thần để động viên kịp thời đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Lê Vân (ghi)