Với quy trình đào tạo hợp lý, phương pháp đào tạo mang tính ứng dụng thực tế cao, môi trường đào tạo mô phỏng thực tế với một châm ngôn đào tạo “Tam Thực” đã mang lại những cơ hội vượt trội trong việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Quy trình đào tạo hợp lý
Các nhà tuyển dụng hiện nay vẫn luôn phàn nàn về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Nhiều sinh viên có kỹ năng về thực hành nhưng lại mất đi nền tảng lý thuyết khiến chất lượng nhân lực mất đi chiều sâu. Một số khác có học lực giỏi nhưng lại quá nặng lý thuyết hàn lâm mà không có tư duy thực tế, kỹ năng và kinh nghiệm thực nghiệp khiến các đơn vị sử dụng lao động phải đầu tư thêm thời gian, nhân lực và tiền bạc để đào tạo lại những sinh viên này.
Một sự kiện do sinh viên tổ chức. Ảnh: CMP |
Không quá nặng lý thuyết cũng không quá đề cao thực hành, với phương pháp cân bằng và phân chia lý thuyết, thực hành một cách hợp lí về cả khối lượng cũng như thời gian – đó chính là phương pháp đào tạo của bộ môn truyền hình ở Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV. Sinh viên được đào tạo theo tiến trình từ Lý thuyết truyền thông đến Lý luận truyền hình, tiếp đó là Phương thức sản xuất truyền hình, và cuối cùng năm thứ tư, là môn học Thực hành sản xuất truyền hình. Với tiến trình đó, sinh viên hình thành được nền tảng lý thuyết làm cơ sở để ứng dụng vào thực tế sinh động thông qua những tác phẩm thực hành.
Coi trọng đào tạo kỹ năng
“Là trưởng ban trong một tòa soạn báo, tôi luôn đặt tiêu chuẩn đầu tiên cho nhân lực mà mình tuyển chọn đó là kỹ năng làm báo. Kỹ năng đó không đòi hỏi cao, nhưng nó phải hội tụ đủ kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm hoặc ít nhiều bạn phải có tiềm năng kỹ năng”- ông Nguyễn Hòa, Trưởng ban Văn nghệ - Văn hóa – Gia đình, báo Văn hóa, cho biết.
Nắm bắt điều đó, các giảng viên của Khoa Báo chí và Truyền thông, Bộ môn Truyền hình, đã xây dựng phương pháp đào tạo, trong đó coi trọng phát triển kỹ năng cho sinh viên. Sinh viên được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn, được phát triển về các kỹ năng mềm phục vụ cho cả công việc cũng như cuộc sống. Những năm qua, Khoa đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông CMP thiết kế những chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng qua các sản phẩm báo chí thực tế.
“Ở đây, chúng tôi được tiếp xúc với máy móc, trường quay, những thiết bị hiện đại. Chúng tôi tự lên kế hoạch và làm một sản phẩm với sự giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời của thầy cô và nhân viên trung tâm. Bên cạnh kinh nghiệm sản xuất chương trình truyền hình, chúng tôi còn được trau dồi các kỹ năng khác như xử lý tình huống, giao tiếp… Và việc thực hiện các dự án hợp tác với các đài, báo bên ngoài khiến chúng tôi có thêm cơ hội va chạm với môi trường làm việc thực tế cũng như hình thành những mối quan hệ nghề nghiệp quý báu”- bạn Nguyễn Thanh Huyền, K54 Khoa Báo chí và Truyền thông, chia sẻ.
Phương pháp đào tạo mô phỏng thực tế với “tam thực”
Đào tạo chệch với nhu cầu thị trường lao động thực tế, phương thức đào tạo quá nặng về lý thuyết là điều tối kị. Song, để tránh nó lại không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, ở Khoa Báo chí Truyền thông và Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí Truyền thông, thuộc ĐHKHXH&NV Hà Nội, việc xây dựng môi trường học tập theo mô hình thực tế đã được triển khai. Tại đây, sinh viên được tổ chức thành các êkíp, như một cơ quan báo chí khiến cho việc đào tạo không nằm trong khuôn khổ sách vở, lý thuyết hàn lâm, thay vào đó là tính thực tế với mục đích “tam thực” (thực nghiệm, thực tế, thực nghiệp). “Tại lớp học Bộ môn Truyền hình, giảng viên đóng vai trò như là một giám đốc sản xuất trong mô hình một đài truyền hình, hay một công ty truyền thông. Trong khi đó, sinh viên chính là những nhân viên mới vào nghề. Việc huấn luyện một sinh viên tại đây giống như việc huấn luyện một phóng viên mới bước vào đài truyền hình. Điều đó không chỉ kích thích hứng khởi, sự tự lực, sáng tạo của sinh viên mà còn cho họ một môi trường làm việc sát thực tế”- Phó Giám đốc Trung tâm CMP, giảng viên, ThS. Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Những kiến thức lý thuyết được thực hành ngay một cách triệt để thông qua việc sản xuất các sản phẩm truyền hình. Ba tập phim nằm trong Dự án phim tài liệu về sản xuất chương trình truyền hình: ”Nghề dẫn chương trình truyền hình”, “Tổ chức sản xuất gameshow” và “Truyền hình thực tế” là minh chứng cho mô hình đào tạo mô phỏng thực tế đó. Một sản phẩm đầu tay của các bạn sinh viên báo chí năm cuối, đồng thời trở thành tư liệu học tập cho các khóa sau này. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, sinh viên được tự thiết kế bài giảng dưới sự chỉ dẫn, thị phạm của giảng viên phụ trách.
Môi trường đào tạo
Tổ chức lớp học theo một êkíp, một phòng, ban hoạt động nghề nghiệp khiến cho khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên xích lại gần nhau. Người thầy không còn người viết lên bảng rồi “gõ đầu trẻ” mà cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề. “Chúng tôi học trong một môi trường rất năng động và thỏa sức sáng tạo. Sinh viên được giảng viên cung cấp cho điểm tựa xuất phát và chỉ điểm đích, còn việc đi như thế nào là do sinh viên. Lẽ dĩ nhiên những khó khăn sẽ được giảng viên kịp thời hướng dẫn bằng cách chỉ ra cho một lối đi khác. Chúng tôi tự chịu trách nhiệm với mình và khi cần chúng tôi luôn được giúp đỡ” – Vũ Tiến Thành, sinh viên năm thứ tư, Khoa Báo chí và Truyền thông, chia sẻ.
Tự tin phỏng vấn MC Trần Ngọc VTV3. |
Việc mời các nhà báo đang hoạt động trong nghề đến với sinh viên qua các bài giảng đã khiến cho sinh viên mở rộng hiểu biết thực tế của mình. Nhà báo Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc kênh Truyền hình VTC10, cho biết: “Tôi luôn truyền tải cho sinh viên, học viên của mình những kinh nghiệm, kiến thức sát thực để khơi dậy hứng thú và đam mê cho họ, bởi có đam mê mới có thể theo đuổi nghiêm túc với nghề được. Để sinh viên tiếp nhận kiến thức thông qua việc vận dụng kiến thức nền từ những môn khoa học khác nhau để giúp các em không bị nhàm chán. Tôi luôn cố gắng tạo ra cho các em những ấn tượng, dấu ấn trong mỗi bài học để các em tự cảm nhận bài học một cách thú vị và chạm vào cảm xúc của các em ấy”.
“Tôi luôn chia sẻ cho sinh viên những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong quá trình hoạt động báo chí. Đó là kinh nghiệm thu thập tài liệu, phỏng vấn, điều tra, kinh nghiệm phát hiện người tài, quan sát, những thứ cần tránh, những vấn đề nhạy cảm…Qua những chia sẻ đó tôi để các em hình dung được nghề báo không hề đơn giản, không phải là luôn được tiếp xúc với người nổi tiếng mà nó rất khó khăn để từ đó các em ý thức được nghề nghiệp của mình và thay đổi tư duy của mình” - nhà báo Nguyễn Hòa, Trưởng Ban Văn nghệ - Văn hóa – Gia đình, Báo Văn hóa, cho biết.
Nhiều cơ hội cọ xát
“Truyền hình về thực chất là vừa đi, vừa học, vừa xem, vừa hoàn thiện kỹ năng của mình. Hơn nữa, thực nghiệm giúp giải thoát năng lượng sáng tạo, bởi năng lượng sáng tạo chỉ phát huy trong những điều kiện thực tế” – nhà báo Lê Hoàng Anh, dưới góc độ một người hoạt động trong ngành truyền hình chia sẻ. Các bạn sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐHKHXH&NV được nhà trường giới thiệu đến các tòa soạn báo, đài truyền hình kiến tập, thực tập. Bên cạnh đó việc tổ chức các buổi giao lưu với các nhà báo nổi tiếng giúp sinh viên hứng khởi và yêu nghề hơn.
Nhà báo Vũ Thanh Hường, Phó Trưởng phòng Gameshow 1, VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, một nhân vật trong tập phim “Truyền hình thực tế”, cho rằng: “Sinh viên báo chí ngày nay có nhiều điều kiện để tác nghiệp và có nhiều đất màu mỡ để khai phá... Quan trọng là chúng ta có quyết tâm để bắt đầu cày xới nó không. Hãy bắt đầu quan sát, tích lũy vốn sống ngay từ khi chưa quá muộn để biết rằng nghề báo thật vinh quang”.
Những buổi thực tế, tham quan đài truyền hình, đài phát thanh, tòa soạn là những cơ hội tăng thêm hiểu biết, yêu nghề cũng như cơ hội cộng tác cho sinh viên: “Cũng nhờ những buổi đi tham quan đài truyền hình mà tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trở thành cộng tác viên của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Chúng tôi đã được tạo nhiều cơ hội và quan trọng là biết nắm bắt nó” –Vũ Đào, sinh viên năm cuối Khoa Báo chí và Truyền thông, cộng tác viên Đài THVN chia sẻ.
Luôn làm những gì tốt nhất cho sinh viên qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên luôn kỳ vọng vào những sinh viên của mình sẽ thành công từ những khác biệt mà họ mang lại trong cách giảng dạy của mình.
Nguyễn Trà My