Tháo gỡ bất cập sau sáp nhập các trường phổ thông ở Thái Bình

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, năm 2018, tỉnh Thái Bình đã từng bước triển khai sáp nhập các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn.

Bước đầu, việc sáp nhập đã mang lại những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên để phát huy hiệu quả của các trường sau sáp nhập vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ. 

Chú thích ảnh
Trường Mầm non Thanh Nê (huyện Kiến Xương) được hình thành trên cơ sở sáp nhập Trường Mầm non Hoa Sen và Trường Mầm non Thanh Nê. Ảnh: TTXVN phát

Hiệu quả bước đầu sau sáp nhập

Theo Kế hoạch 45/KH-UBND ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh Thái Bình, việc sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được thực hiện từ năm 2018. Trong đó, các xã, phường, thị trấn hiện có hai trường Tiểu học, hai trường Trung học Cơ sở thực hiện sáp nhập các trường này thành trường cùng cấp.

Trường hợp địa phương có cả trường Tiểu học và trường Trung học Cơ sở có quy mô dưới 18 lớp sẽ sáp nhập thành phổ thông hai cấp học; giữ nguyên các trường Trung học Cơ sở liên xã hiện có 1 điểm trường. Đối với bậc Mầm non, các xã, phường, thị trấn có hai trường mầm non công lập sẽ thực hiện sáp nhập, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có một trường mầm non công lập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, tỉnh thực hiện việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tại 8 huyện, thành phố, trong đó thực hiện sáp nhập 20 trường Mầm non thành 10 trường Mầm non cùng cấp; 18 trường Tiểu học thành 9 trường Tiểu học cùng cấp; hai trường Trung học Cơ sở thành một trường Trung học Cơ sở cùng cấp.

Về số trường liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở,  toàn tỉnh có 331 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở trong diện sáp nhập (gồm 1 trường Tiểu học, 163 trường Trung học Cơ sở) thành 151 trường liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở. Như vậy với kế hoạch và lộ trình này, tỉnh Thái Bình sẽ giảm được 200 đầu mối, đơn vị.

Huyện Kiến Xương là địa phương có số trường trong diện phải sáp nhập lớn thứ hai trên địa bàn tỉnh Thái Bình (sau huyện Thái Thụy) với 60 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở. Sau sáp nhập, số trường này giảm 1/2, chỉ còn một trường Mầm non, 29 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở, góp phần thu gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Lê Lợi (xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương) là một ví dụ. Trường được hình thành vào tháng 12/2018 dựa trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Lê Lợi và Trường Trung học cơ sở Lê Lợi.

Ông Trịnh Quốc Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Lê Lợi cho biết, khi triển khai sáp nhập, cả hai trường cũng gặp những khó khăn nhất định như tâm lý e ngại, ngại thay đổi của cán bộ, giáo viên. Bản thân hiệu trưởng được đào tạo chuyên môn cấp Trung học Cơ sở nên việc chỉ đạo quản lý chuyên môn cấp Tiểu học còn hạn chế. Sau đó, nhà trường đã từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình, duy trì tốt việc dạy và học.

Năm học 2018 - 2019 là năm đầu tiên thực hiện mô hình trường phổ thông 2 cấp học, chất lượng giáo dục của trường được cải thiện rõ rệt, xếp loại học lực cấp Tiểu học có 85,6% học sinh đạt loại tốt; cấp Trung học Cơ sở có 31,54% học sinh xếp loại học lực loại giỏi, cao hơn so với thời điểm chưa sáp nhập.

Đặc biệt, năm học vừa qua, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Lê Lợi có tỷ lệ học sinh đỗ vào Trung học Phổ thông lên tới 98,7% (những năm trước duy trì 89,2%) và là trường xếp thứ 5/37 trường của huyện Kiến Xương trong khảo sát học sinh giỏi cấp huyện.

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Bắc Sơn cũng là một trong 10 trường liên cấp được sáp nhập trong năm học 2018 - 2019 của huyện Hưng Hà. Thầy Nguyễn Văn Mười, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc sáp nhập trường học là chủ trương đúng, góp phần tinh giảm biên chế, đồng thời giúp các nhà trường khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng môn, tận dụng được hệ thống trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, khuôn viên nhà trường rộng hơn 10.500m2, 3 khu phòng học gồm 25 phòng trong đó có 22 phòng kiên cố, 2 khu phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu dạy và học của cả 2 cấp học.

Còn nhiều khó khăn

Tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh Thái Bình có 171 trường sáp nhập từ 337 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn, trong đó có 5 huyện, thành phố đã hoàn thành công tác sáp nhập gồm các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng và Thành phố Thái Bình.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, sau sáp nhập các trường đã nhanh chóng ổn định tổ chức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế hoạt động tại các trường sau sáp nhập đều gặp nhiều khó khăn, bất cập về công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy và học cũng như về chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên.

Hiện nay không ít địa phương đang loay hoay trong việc sắp xếp việc làm đối với cán bộ quản lý, cán bộ hành chính dôi dư sau sáp nhập. Nhiều nơi lại thừa nhân viên kế toán nhưng lại thiếu nhân viên các vị trí khác như thư viện, thiết bị thí nghiệm, văn thư… dẫn đến bố trí việc làm không theo bằng cấp chuyên môn.

Theo thống kê của ngành Giáo dục Thái Bình, sau sáp nhập toàn tỉnh còn dôi dư 333 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó dôi dư 175 nhân viên, 100 cán bộ quản lý và 58 giáo viên.

Ông Bùi Đức Thụy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết, sau sáp nhập huyện dư thừa cán bộ quản lý, nhân viên. Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, cách làm của huyện là phân công nhiệm vụ cho giáo viên theo trình độ chuyên môn cấp học đối với giáo viên văn hóa, giáo viên cấp học nào sẽ dạy cấp học đó.

Giáo viên các môn chuyên trách như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, ngoại ngữ, tin học sẽ phân công giáo viên dạy 2 cấp học theo định mức quy đổi 1 tiết dạy bậc Trung học Cơ sở tương ứng 1,21 tiết dạy bậc Tiểu học, 1 tiết dạy bậc Tiểu học quy đổi tương ứng 0,826 tiết bậc Trung học Cơ sở.

Thực tế khác là nhiều địa phương ở Thái Bình hiện nay thiếu nguồn quy hoạch Hiệu trưởng các trường liên cấp do cấp phó là trình độ giáo viên Tiểu học, trong khi đó quy định chức danh Hiệu trưởng tại các trường liên cấp này phải là giáo viên có trình độ bậc cao nhất (tức là bậc Trung học Cơ sở).

Có nơi rơi vào tình trạng trường Tiểu học đã đạt chuẩn Quốc gia, nhưng trường Trung học Cơ sở sáp nhập lại chưa đạt chuẩn khiến địa phương lúng túng trong việc xếp loại, từ đó ảnh hưởng đến các chế độ, phụ cấp của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Mặt khác, chưa có quy định pháp lý cụ thể nào về việc xếp hạng trường liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở dẫn đến có trường hợp chế độ, phụ cấp của cán bộ quản lý trường liên cấp có tổng số lớp, cùng hạng với trường một cấp học nhưng phụ cấp chức vụ thấp hơn. Việc phân công giáo viên dạy liên cấp học cũng là khó khăn mà nhiều trường gặp phải do chưa có quy định về phụ cấp đứng lớp đối với giáo viên dạy liên cấp.

Để giải quyết những khó khăn trên, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các trường tiếp tục xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với bộ máy của trường phổ thông nhiều cấp học. Đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn các hoạt động giáo dục sau sáp nhập, đảm bảo phát huy vai trò, hiệu quả của trường liên cấp, cùng cấp, duy trì tốt hoạt động dạy và học trong năm học tới.

Thu Hoài (TTXVN)
Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, việc thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN