Cần loại bỏ kẽ hở gian lận thông qua phòng, chống COVID-19
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra nghiêm túc, công bằng.
Về việc thí sinh đeo khẩu trang trong khu vực thi hoặc trong khi làm bài, một số địa phương cho rằng, Bộ cần có quy định phù hợp để tránh thông qua vật dụng này là điều kiện để kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận thi cử.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn tới các Sở GD&ĐT về việc các thí sinh đeo khẩu trang như thế nào. Nếu thí sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang thì không nên đeo khẩu trang y tế có van bởi đây là điều kiện để lắp các thiết bị thu phát sóng.
Chia sẻ về quan điểm này, ông Vương Anh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Bộ GD&ĐT chưa có quy định rõ ràng với việc thí sinh đeo khẩu trang trong phòng thi. Dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng ở cộng đồng những quy định về khẩu trang vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, ở phòng thi vẫn có thể linh hoạt khi thí sinh không tiếp xúc và có khoảng cách nhất định. Nếu Bộ có quy định thí sinh đeo khẩu trang cần linh hoạt trong quy định này".
Theo ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, để phòng, chống gian lận thi cử ở những điểm thi, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng có thiết bị phát sóng và cắt wifi, chặn các camera ở các trường có đầu tư camera trong lớp học hoặc khu vực lân cận. Điều này nhằm tránh những vấn đề như lọt, lộ đề thi ra ngoài.
Ngoài ra, điểm mới là các điểm thi có phương án bảo quản vật dụng của thí sinh bảo đảm khoảng cách tối thiểu 25m. Tuy nhiên, quy định này đang gây khó cho những tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh dự thi đông và số lượng phòng thi không đủ.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, với diện tích khu vực thi, phòng thi hạn hẹp thì Hà Nội khó có thể bố trí một phòng để vật dụng của học sinh, trong đó có điện thoại, ở mỗi điểm thi.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ở những điểm thi nội thành rất khó có thể bố trí để đồ đạc của thí sinh ở một phòng riêng cách phòng thi 25m. Vì số lượng thí sinh dự thi đông và lúc kết thúc giờ thi sẽ khó cho thí sinh khi lấy đồ đạc và kết nối với phụ huynh ở bên ngoài”.
Ngoài ra, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng nên điều chỉnh quy chế thi khi những vật dụng không phục vụ cho kỳ thi như: máy ghi âm, ghi hình… không nên đưa vào khu vực thi. Vì những thiết bị này rất khó kiểm tra trong đó có những thiết bị gian lận gì.
Đại diện Cục A03, Bộ Công an cũng cho rằng, quy định có máy photocopy trong khu vực thi thì Bộ GD&ĐT lưu ý kỹ trong quá trình kiểm tra. Bởi những máy photocopy hiện đại có thiết bị thu phát sóng. Do đó, nếu không lưu ý điểm này, vô hình chung các điểm thi đã vi phạm quy chế.
Đề thi phù hợp với bối cảnh dịch bệnh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, phụ trách các vấn đề chung về chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; chịu trách nhiệm về đề thi; Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi…
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương. Trong những năm qua, các địa phương đã vào cuộc tổ chức Kỳ thi với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Về đề thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT), chuẩn bị ra đề thi: Bộ đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Đề thi tham khảo đã được công bố vào 31/3/2022 giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi năm 2022.
Bộ cũng rà soát, hoàn thiện NHCHT, lựa chọn câu hỏi đã có trong NHCHT thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới; đến tháng 6/2022 cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng để phục vụ công tác đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào NHCHT.
Ông Lê Mỹ Phong cũng cho biết, Bộ GD&ĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi. Đến nay, Bộ GĐ&DT đã thực hiện hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi. Hệ thống đã hỗ trợ tốt cho việc đăng ký dự thi của kỳ thi theo hình thức trực tuyến. Cục QLCL đã phối hợp với Cục CNTT tổ chức kiểm thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các tỉnh/thành phố lưu ý, hỗ trợ tối đa cho các Sở GD&ĐT thực hiện tốt các khâu chuyên môn, giúp học sinh vững cả về kiến thức và tâm lý trước khi bước vào Kỳ thi; quan tâm hỗ trợ các thí sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, giao thông, lưu trú…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khâu về đề thi, coi thi, chấm thi, các khâu khác có liên quan… để bảo đảm an toàn, bảo mật, trật tự cho kỳ thi.