Thêm 900 trường tự nguyện áp dụng mô hình VNEN

Tính tới ngày 30/8, ngoài các trường nằm trong dự án mô hình trường học mới VNEN đã triển khai, cả nước có 3.014 trường chủ động đăng ký nhân rộng toàn phần mô hình VNEN trong năm học này, tăng hơn 900 trường so với năm học trước.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 2, Trường Tiểu học 2 Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) học theo Mô hình trường học mới Việt Nam VNEN. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là số liệu do các sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc thống kê về việc triển khai mô hình này trong năm học mới 2016 - 2017.

Theo đó, một số địa phương có số lượng trường đăng ký nhiều trong năm học này là Hà Nội, Hà Nam, Bạc Liêu, Thái Bình, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Phú Thọ, An Giang, Tiền Giang, Đắk Nông.

Bên cạnh đó, có 2.700 trường tiểu học trên toàn quốc đăng ký áp dụng từng phần mô hình VNEN (áp dụng những mặt tích cực, phù hợp với điều kiện hiện có).

Tuy nhiên trong năm học này có 4 tỉnh cho biết sẽ tạm dừng triển khai mô hình VNEN do các điều kiện thực tế chưa phù hợp như Hà Giang, Hà Tĩnh, Bà Rịa Vũng Tàu và Nghệ An.

Dù vậy, theo báo cáo từ các địa phương này, vẫn có những nơi tiếp tục triển khai mô hình VNEN chứ không dừng hoàn toàn như Hà Giang chọn lựa những điểm phù hợp với địa phương để áp dụng cho các trường tiểu học trong tỉnh, Hà Tĩnh không mở rộng số trường hiện có VNEN (khoảng 60% trường toàn tỉnh).

Tỉnh Nghệ An có một Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) có phụ huynh phản đối nên nhà trường sắp xếp các lớp học truyền thống cho học sinh có cha mẹ không tự nguyện cho con theo học mô hình VNEN. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có một đơn vị là TP Vũng Tàu phản đối, nhưng sau khi được giải thích và cung cấp thêm thông tin đã tiếp tục thực hiện mô hình VNEN theo đúng văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Như vậy, nhìn tổng thể trên 63 tỉnh, TP với gần 4.000 trường tham gia áp dụng mô hình VNEN, cho thấy mô hình này vẫn được đánh giá cao, là một xu thế phát triển tất yếu của đổi mới giáo dục. Theo ông Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng dự án VNEN, mô hình giáo dục tốt vẫn cần sự triển khai linh hoạt.


Mô hình VNEN có sự khác biệt so với mô hình giáo dục truyền thống. Bản chất dạy học của mô hình trên là hướng dẫn học sinh tự học. Vì vậy, kiến thức các em có được là do tự thân, mà không vay mượn hay bị áp đặt.

Ngoài học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cũng phải đổi mới theo mô hình, hiểu biết cách giảng dạy theo mô hình. Mô hình này cũng đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng và phụ huynh nhiều hơn thay vì chỉ khép kín việc dạy và học trong nhà trường.

Trước đó lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo không bắt buộc các trường đồng loạt thực hiện mô hình này, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện có thể chủ động đăng ký thực hiện toàn phần hoặc từng phần mô hình.

TTXVN/Tin Tức
Địa phương sẽ áp dụng giáo dục VNEN theo các mức độ khác nhau
Địa phương sẽ áp dụng giáo dục VNEN theo các mức độ khác nhau

Tối 18/8, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ có công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai mô hình trường học mới năm học 2016 - 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN