Thi cử phải trung thực, khách quan

Vấn đề lựa chọn phương án và cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tiếp tục làm “nóng” Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014, do Bộ GD - ĐT tổ chức ngày 15/8, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự hội nghị và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.


Hiến kế về tổ chức thi


Khác với ý kiến của các Sở GD - ĐH và giáo viên các trường THPT là chọn phương án thi theo môn (phương án 1), tại hội nghị, hiệu trưởng nhiều trường đại học lại chọn phương án thi theo bài (phương án 2) cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Đặc biệt, các trường tỏ ra rất lo lắng về khâu tổ chức thi để có được kết quả thi đáng tin cậy, có tính phân hóa; các trường có thể tin tưởng dựa vào kết quả đó để tuyển sinh.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ngày 15/8.


Hiệu trưởng các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng… cho biết nếu được chọn lựa thì đại diện các trường này sẽ chọn phương án 2 cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.


“Theo tôi, phương án 2 phù hợp để các trường có thể kết hợp xét tốt nghiệp và lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu kiến thức cơ bản và một số yêu cầu tuyển sinh vào các ngành ĐH đặc thù. Tuy nhiên, cần có đội ngũ chuyên gia, tổ chức để xây dựng quy chế và cách thức thi hiệu quả”, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết.


“Dù lựa chọn phương án thi nào cũng phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê nhất cho người dân, khuyến khích sự ham học của thế hệ trẻ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Theo ông Vui, cấu trúc đề thi rất quan trọng, thiết kế có phần kiểm tra kiến thức để xét tốt nghiệp phổ thông như đã thực hiện trong kỳ thi ĐH năm 2014 là rất tốt. Để bảo đảm độ tin cậy của kỳ thi, Bộ GD - ĐT cần xây dựng quy chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh. Bên cạnh đó, có thể đưa các trường ĐH, giảng viên ĐH tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra kiểm tra…


Bằng bất cứ giá nào cũng phải ưu tiên chất lượng lên hàng đầu, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh: “Những năm gần đây, tuyển sinh “đầu vào” của các trường khối Y, dược rất nóng. Bởi vậy, sắp tới, Hội đồng Hiệu trưởng khối các trường Y sẽ đề xuất có thêm một kỳ thi bổ sung để bảo đảm chất lượng “đầu vào”. Chúng tôi mong muốn Bộ GD - ĐT tiếp tục là chỗ dựa cho các trường, đặc biệt trong việc làm ngân hàng đề để các trường khối Y, dược có thể sử dụng”.


Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho hay: “Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy việc thi tích hợp là hợp lý nhất và phương án 2 là phù hợp, tối ưu, giúp cho các trường vừa xét tuyển phổ thông, vừa tuyển sinh ĐH. Để tổ chức một kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, khâu quan trọng nhất là ra đề, coi thi, chấm thi. Bộ GD - ĐT ra đề như lâu nay là tối ưu nhất. Vì vậy, cán bộ coi thi cho kỳ thi này nên là 1 giáo viên đại học và 1 giáo viên phổ thông; thanh tra phải là cán bộ của Bộ và của các trường đại học. Đối với chấm thi vẫn gồm cả giáo viên phổ thông chấm”.


Tiếp tục tiếp thu ý kiến


Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, nhiều ý kiến của người dân phản ánh đã hội tụ đủ điều kiện để tiến hành một kỳ thi “2 trong 1”. Cũng rất nhiều ý kiến chuyên gia, cán bộ “nhắc nhở” Bộ GD - ĐT phải khẩn trương hơn trong việc triển khai các bước chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

 

Chất lượng luôn được ưu tiên trong công tác thi cử. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

“Bộ GD - ĐT đã thành lập các tổ, nhóm để tập hợp ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi, từ đó xử lý thông tin một cách đầy đủ. Chúng tôi mong muốn sau hội nghị sẽ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý nhằm có thêm nhiều thông tin hơn nữa để lựa chọn được phương án thi tối ưu. Vấn đề này cũng sẽ được trao đổi, báo cáo trong Hội nghị của Ủy ban Phát triển nguồn nhân lực sắp tới”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD - ĐT thực hiện việc công bố sớm thông tin thi cử trước khi khai giảng năm học mới. Dù lựa chọn phương án thi nào cũng phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê nhất cho người dân, khuyến khích sự ham học của thế hệ trẻ.


Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kỳ thi quốc gia có hai mục tiêu, vừa căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa là căn cứ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tự chủ. Nếu tổ chức kỳ thi quốc gia tốt, các trường sẽ căn cứ vào kết quả này là chính, không phải tổ chức tuyển sinh riêng. Do đó, ngành giáo dục cần “thiết kế” để kỳ thi này có thể làm căn cứ đáng tin cậy cho kỳ thi ĐH. Khi ĐH tốt lên, các trường tự chủ, siết đầu ra, thì sẽ như thế giới: Khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh sẽ ghi danh vào ĐH.

 

Lê Vân

Đã có  "điểm sàn" thi đại học
Đã có "điểm sàn" thi đại học

Sáng 8/8, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD - ĐT đã thống nhất phương án điểm sàn mới, với ba mức xét tuyển cơ bản vào ĐH và một mức xét tuyển vào CĐ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN