Ngày 9/5, các sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) phía Bắc đã có buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) cho các trường ĐH, CĐ. Theo ghi nhận của báo Tin Tức, mặc dù khối ngành Kinh tế - Tài chính được cảnh báo là thừa nhân lực nhưng hồ sơ khối ngành này vẫn chiếm ưu thế.
Kinh tế - Tài chính vẫn “hot”
Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia tuyển sinh là năm nay những ngành “hot” năm trước sẽ giảm bớt thí sinh đăng ký dự thi: Cụ thể như ngành Kinh tế - Tài chính được cảnh báo là thừa nhân lực, người học sẽ thất nghiệp khi ra trường; mặt khác, nhiều trường đào tạo kinh tế cũng đã cắt giảm chỉ tiêu và điểm đầu vào của ngành này cũng khá cao; nhưng ghi nhận tại buổi bàn giao hồ sơ sáng 9/5 của các sở GD - ĐT phía Bắc với các trường ĐH, CĐ, thì số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành kinh tế năm nay vẫn có xu hướng tăng.
Số hồ sơ đăng ký dự thi khối ngành Kinh tế vẫn áp đảo. |
Tại Hà Nội, số lượng hồ sơ vào khối ngành Kinh tế - Tài chính vẫn rất cao. Riêng Học viện Tài chính, lượng hồ sơ thí sinh nộp vào đã tăng gấp đôi so với năm 2013.
Hàng loạt các sở GD - ĐT cho biết, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm hẳn. Tổng số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ mà Sở GD - ĐT Hòa Bình nhận được là 6.300 hồ sơ, giảm khoảng 2.700 hồ sơ so với 2013; Sở GD - ĐT Sơn La giảm khoảng 2.000 hồ sơ; Sở GD - ĐT Hải Phòng giảm 6.000 hồ sơ, Sở GD - ĐT Phú Thọ giảm 4.000 hồ sơ; Sở GD - ĐT Ninh Bình giảm khoảng 3.000 hồ sơ... |
Thanh Hóa là địa phương có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao, cũng “chung cảnh” với nhiều tỉnh. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD - ĐT Thanh Hoá cho biết: “Thanh Hóa có 48.900 hồ sơ, trong đó một số trường đào tạo về kinh tế có số lượng hồ sơ đông. Cụ thể, số lượng hồ sơ dự thi Học viện Tài chính năm trước đứng thứ 26, thì năm nay lên vị trí thứ 5, với 1.599 hồ sơ; ĐH Kinh tế Quốc dân đứng vị trí thứ 8 với 1.078 hồ sơ; ĐH Tài nguyên Môi trường xếp ở vị trí thứ 7 trong nhóm ngành này với 1.216 hồ sơ; ĐH Thương mại có 1.064 hồ sơ”.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD - ĐT Vĩnh Phúc cũng cho hay, nhóm ngành Tài chính Ngân hàng có số thí sinh nộp hồ sơ tăng hơn so với năm 2013: Học viện Tài chính có 556 hồ sơ (tăng 353 hồ sơ, tỷ lệ tăng là 173%); ĐH Kinh tế Quốc dân có 359 hồ sơ, tăng 19,3%; Học viện Ngân hàng tăng 11,3%; ĐH Ngoại thương tăng 16,4%.
Tại Thái Bình, số hồ sơ mà thí sinh nộp vào khối ngành Kinh tế- Tài chính chiếm khoảng hơn 20% tổng số hồ sơ. Còn tại Phú Thọ, hồ sơ nộp vào Học viện Tài chính chỉ đứng sau Đại học Hùng Vương với hơn 3.000 hồ sơ. Bà Lê Thu Huyền, Sở GD - ĐT Sơn La cho biết, hồ sơ khối ngành Tài chính -Ngân hàng của Sơn La tăng khoảng 30% so với năm 2013.
Khoảng trống về tư vấn, hướng nghiệp
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định rằng, tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông vẫn chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ, mặc dù năm 2014 được xem là năm hoạt động tư vấn hướng nghiệp đã đi vào chiều sâu.
Ông Nguyễn Văn Long, Sở GD - ĐT Thanh Hóa dẫn chứng: Ngành Tài nguyên - Môi trường, Sở nhận được 1.216 hồ sơ. Số lượng này khá lớn trong khi nhóm ngành này không nằm trong nhóm ngành được tuyên truyền đang cần nhân lực. Điều này cho thấy, công tác tư vấn hướng nghiệp vẫn còn khoảng trống.
Tuyển sinh riêng ít được thí sinh mặn mà, nhiều sở GD - ĐT còn không có số liệu thống kê về số thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh riêng. Một số sở chỉ có một vài học sinh. Số lượng hồ sơ thí sinh thi tuyển vào trường có tuyển sinh riêng cao nhất là tỉnh Thái Bình: 20 hồ sơ. Theo bà Lê Thu Huyền, Sở GD - ĐT Sơn La, có hai nguyên nhân khiến số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào những trường có tuyển sinh riêng thấp. Thứ nhất, đây là năm đầu thực hiện phương án tuyển sinh riêng, thí sinh còn nhiều bỡ ngỡ; nhiều em chia sẻ là cứ chọn thi chung “cho lành”. Thứ hai, đa số các trường tuyển sinh riêng đều đưa ra những yêu cầu riêng của trường khiến thí sinh lúng túng. |
Theo ghi nhận, không chỉ riêng tại Thanh Hóa, một số tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nam…, thí sinh vẫn “ưu tiên” lựa chọn ngành kinh tế, còn những ngành đang cần nhân lực thì lại không mặn mà. Bà Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, những thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn nghèo nàn và thiếu, nên gia đình và học sinh không đủ thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, gia đình phụ huynh, học sinh vẫn tâm lý chuộng bằng cấp. Đây là rào cản lớn trong thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Vân