Trong số các thí sinh dự thi năm nay, người cao tuổi nhất là ông Matsumiya Masaharu, 80 tuổi, đến từ tỉnh Hyogo và đã từng tham gia giảng dạy tiếng Nhật Bản tại Hà Nội. Đáng chú ý, để tham dự cuộc thi này, ông Matsumiya đã phải dậy từ 4 giờ sáng và vượt hàng trăm km từ tỉnh Hyogo đến Tokyo để dự thi.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về lý do học tiếng Việt, ông Matsumiya hào hứng nói: “Có hai lý do khiến tôi học tiếng Việt và tham gia vào kỳ thi tiếng Việt. Thứ nhất, mặc dù tôi là giáo viên tiếng Nhật Bản tại Hà Nội nhưng tôi không thể nói câu “Các em hãy học bài” bằng tiếng Việt. Điều đó thật là không tốt cho lắm. Thứ hai, khi tôi muốn truyền đạt về những phong tục, tập quán và quy tắc ứng xử ở Nhật Bản như “hãy phân loại rác”, “hãy thực hiện đúng các qui định” cho các học sinh người Việt tới Nhật Bản để học tập thì tôi lại không thể nói được tiếng Việt”.
Ông Masayoshi Fujino, Giám đốc phụ trách đối ngoại của JCFL kiêm thành viên của Hội đồng thi, cho biết mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng kỳ thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các thí sinh đến từ nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản, từ các tỉnh lân cận Tokyo như Chiba, Saitama hay Kanagawa cho đến những nơi xa như Hyogo hay Okinawa.
Kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 4 được chia thành 6 cấp độ. Các cấp độ này được phân loại dựa trên tiêu chuẩn của kỳ năng lực tiếng Nhật của Nhật Bản đã phổ cập trên toàn thế giới, trong đó cấp độ cao nhất là cấp độ 1. Tuy nhiên, theo ông Fujino, năm nay, các thí sinh chỉ dự thi ở 5 cấp độ, từ cấp độ 2 đến 6. Ở cấp độ 1 là cấp độ cao nhất, rất khó nên không có thí sinh dự thi. Ở cấp độ 6, đề thi chú trọng tới vấn đề ngữ pháp và văn phong đơn giản, còn ở cấp độ cao hơn đề cập tới cả những vấn đề kinh tế, văn hóa.
Liên quan tới nội dung đề thi, Tiến sỹ Đinh Sỹ Diên, thành viên của Hội đồng thi và là người ra đề thi, cho biết đề thi năm nay cố gắng bám sát năng lực của các thí sinh và cân bằng so với các kỳ thi trước. Đề thi cũng gắn với mục đích học tiếng Việt của các thí sinh, nội dung liên quan tới văn hóa, sinh hoạt đời thường của Việt Nam giúp thí sinh không chỉ hiểu tiếng Việt mà con có kiến thức chung về Việt Nam.
Trong các năm qua, tỷ lệ đỗ trong kỳ thi năng lực tiếng Việt đã tăng dần. Ở kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ đỗ trung bình cho tất cả các cấp độ mới chỉ có 16,7% nhưng con số này trong kỳ thi thứ 2 đã tăng lên 29,8%. Ở kỳ thi gần nhất vào năm 2019, tỷ lệ đỗ là 64,3% ở cấp độ 6 và 32% ở cấp độ 2, cao hơn cả cấp độ 5 và 4. Điều này thể hiện nỗ lực và mong muốn học giỏi tiếng Việt của người Nhật Bản.
Đa số các thí sinh đều cho biết họ học tiếng Việt chủ yếu vì yêu mến Việt Nam hoặc làm các công việc liên quan tới Việt Nam. Em Minami Kotono, sinh viên JCFL, nói: “Khi còn là học sinh phổ thông trung học, em đã tìm hiểu về lao động người nước ngoài sống tại Nhật Bản và được biết rằng lao động người Việt Nam tại Nhật Bản khá đông. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không biết tiếng Nhật và không hiểu rõ về các quyền lợi được hưởng cho dù họ đang sống ở Nhật Bản. Vì vậy, em đã học tiếng Việt để có thể phần nào giúp đỡ cho các lao động này khi gặp khó khăn”.
JCFL thuộc Hiệp hội Giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen là đơn vị đầu tiên và duy nhất cho đến nay có chức năng tổ chức thi và cấp bằng năng lực tiếng Việt ở Nhật Bản. Ngoài việc tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Việt, trường cũng đang giảng dạy tiếng Việt cho người Nhật Bản và dạy chuyên môn cho nhiều sinh viên Việt Nam.
Ông Ise Yoji, Hiệu trưởng JCFL, cho biết những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và đầu tư. Cùng với đó, nhu cầu học tiếng Việt của người Nhật Bản ngày càng tăng. Thời gian tới, trường sẽ không chỉ tổ chức kỳ thi tiếng Việt ở Tokyo mà có kế hoạch mở rộng kỳ thi sang các đô thị lớn khác như Osaka, Fukuoka hay Kyushu.