20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 kết thúc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào việc xét tuyển tưởng như đã giảm áp lực, tiết kiệm cho thí sinh nhưng hiệu quả không như mong muốn. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) đã có những chia sẻ với báo Tin Tức cuối tuần về thực trạng này và những đổi mới tuyển sinh trong những năm sau.
Thưa Thứ trưởng, rút hồ sơ xét tuyển đã gây nên những lo lắng, bức xúc và tốn kém cho xã hội. Sau đó, Bộ GD - ĐT có công văn cho phép thí sinh được rút ở Sở GD- ĐT và trường THPT. Nhiều chuyên gia cho rằng hành động “cứu nguy” này không giải quyết được tình hình. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
Trong 10 ngày đầu tiên, thí sinh nộp hồ sơ là chính. 10 ngày sau của đợt xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký vào một số trường bắt đầu vượt chỉ tiêu cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển Bộ đã giao các Sở GD - ĐT thực hiện nhiệm vụ thu nhận đơn xin thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh để thực hiện các thao tác kỹ thuật chuyển thông tin của thí sinh đến các trường liên quan. Tất cả các thao tác này được thực hiện qua phần mềm, không phải rút, nộp hồ sơ nên rất đơn giản và nhẹ nhàng. Đồng thời Bộ cũng yêu cầu các trường cập nhật thường xuyên điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh tham khảo. Thí sinh không nên đến các trường để thay đổi nguyện vọng xét tuyển mà hãy đến Sở GD - ĐT của địa phương hay đến ngay trường THPT trên địa bàn được Sở giao nhiệm vụ để thực hiện việc này.
Như mọi năm, có khoảng 70% chỉ tiêu sẽ trúng tuyển ngay từ đợt 1. Lời khuyên của Thứ trưởng cho thí sinh xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo là gì?
Bộ GD- ÐT không ấn định tỉ lệ chỉ tiêu phải tuyển ở đợt 1 mà chỉ tiêu tuyển được là phụ thuộc vào lựa chọn và chất lượng của thí sinh cũng như tiêu chí xét tuyển của từng trường. Có trường chấp nhận hạ điểm chuẩn dự kiến để tuyển đủ thí sinh, rất nhiều trường chấp nhận xét tuyển các đợt tiếp theo để giữ mức điểm chuẩn phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo. 70% chỉ tiêu trúng tuyển ngay đợt 1 là tỉ lệ tương đối đã được thống kê trong nhiều năm tuyển sinh vừa qua. Năm nay tuy phương thức tuyển sinh có khác nhưng dự kiến tỉ lệ này không biến động nhiều.
Còn khoảng 1 tuần nữa là đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu. Rút kinh nghiệm của đợt 1, Bộ GD- ÐT sẽ có những giải pháp kỹ thuật để đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển của thí sinh, sẽ không còn cảnh thí sinh phải vất vả đến trường nộp, rút hồ sơ xét tuyển. Các trường ÐH, CÐ, các Sở GD - ÐT đã phối hợp rất nhịp nhàng trong khâu tổ chức kỳ thi nay sẽ cùng nhau phối hợp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong khâu xét tuyển.
Một kỳ thi THPT quốc gia và được lấy kết quả thi để xét tuyển cho ĐH, CĐ- được kỳ vọng là tiết kiệm, nhưng thực tế lại đang khiến dư luận bức xúc?. Vậy, có thể nói là kỳ thi THPT quốc gia đã không thành công như mong muốn hay không, thưa Thứ trưởng?
Việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển chỉ tập trung ở một số ít các trường lớn có uy tín. Thực tế chỉ có khoảng 30 - 40 trường trên tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ của cả nước có sức thu hút mạnh mẽ thí sinh. Nhiều thí sinh ít triển vọng trúng tuyển vào các trường này cũng đã đến các Sở GD - ĐT của địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không đến rút hồ sơ ở trường. Vì vậy số thí sinh thực tế phải đi lại nhiều không thể so sánh với hàng triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm. Việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích so với việc tổ chức 4 kỳ thi trước đây rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho toàn xã hội. Trong quá trình xét tuyển, phần lớn các trường ĐH đều đã cung cấp thông tin cần thiết đủ để thí sinh tham khảo lựa chọn quyết định của mình. Chắc chắn rất nhiều thí sinh đã tránh được rủi ro trong xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay.
Những mục tiêu căn bản của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được là giảm áp lực thi cử, giảm rủi ro cho thí sinh, giảm tỉ lệ ảo, tạo thuận lợi cho các nhà trường tuyển được những thí sinh phù hợp nhất. Do là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đổi mới thi tuyển sinh nên rất khó tránh khỏi những mặt còn hạn chế. Tuy nhiên Bộ GD - ĐT luôn có những giải pháp kịp thời để xử lý những tình huống phát sinh. Kết quả đợt xét tuyển đầu tiên cho thấy những trường có uy tín, chất lượng có thể tuyển được những thí sinh giỏi nhất. Còn đối với thí sinh thì những em đạt kết quả cao luôn tự tin chọn được đúng ngành, trường mà mình yêu thích; những em có kết quả trung bình cũng có đủ thông tin để lựa chọn trường vừa sức; những em chẳng may chọn ngành, trường chưa phù hợp với năng lực sở trường và kết quả thi của mình cũng có cơ hội để thực hiện việc đăng ký trở lại. Thông tin tuyển sinh đã được minh bạch, công khai đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.
Qua 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1, Bộ GD - ĐT có nhận xét gì về xét tuyển theo hình thức này? Những diễn biến trong xét tuyển Bộ có dự kiến được không? Thứ trưởng có thể chia sẻ về lộ trình đổi mới tuyển sinh trong thời gian tới?
Những giải pháp kỹ thuật áp dụng trong tuyển sinh năm nay đã được thảo luận, tính toán kỹ càng. Các phương án cũng đã được đưa ra thảo luận rộng rãi để chọn được phương án phù hợp nhất đưa ra áp dụng. Bộ luôn có những giải pháp để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai. Hơn 13 năm tổ chức kỳ thi “3 chung” trước đây năm nào Bộ cũng tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm để điều chỉnh quy chế cho phù hợp. Kỳ thi THPT quốc gia mới được tổ chức năm đầu tiên nên rõ ràng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để những năm sau tổ chức tốt hơn.
Sau khi kết thúc tuyển sinh, Bộ sẽ họp với các trường ÐH, CÐ, các Sở GD - ÐT, các chuyên gia giáo dục để thảo luận những mặt được, mặt chưa được để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi được tốt hơn trong những năm tới. Năm đầu tiên xét tuyển ÐH theo cách mới từ kết quả của một kỳ thi THPT quốc gia chung chắc chắn sẽ đúc kết được những kinh nghiệm tốt trong tổ chức tuyển sinh. Thí sinh những năm sau cũng sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu để những vất vả khó khăn của thí sinh năm nay không còn lặp lại.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!