Thí sinh thích thú với đề thi Văn

Sáng nay (2/7), các sĩ tử đã bước vào ngày thứ hai của kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với môn Văn. Kết thúc 180 phút làm bài, đa số các sĩ tử đều cho rằng chỉ gặp một ít khó khăn ở câu nghị luận xã hội, còn lại đề Văn năm nay không khó vì hầu hết đều nằm trong chương trình ôn tập.

Chưa hết thời gian làm bài, ở các hội đồng thi tại TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi với tâm trạng rất phấn khởi và thoải mái. Là một trong những thí sinh ra sớm nhất ở điểm thi trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, thí sinh Phạm Hồng Quân, học sinh trường THPT Gia Định, nhận định đề "dễ thở". “Em chỉ mất 2 tiếng để làm xong đề này dù không phải học sinh chuyên văn. Em nghĩ mình đạt khoảng 6-7 điểm. Mặc dù đề thi không mang tính thời sự như dự đoán ban đầu nhưng em thích nhất câu nghị luận xã hội nói về sự hèn nhát và dũng cảm”.

Chưa hết thời gian nhưng tại các hội đồng thi đã có rất nhiều thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Văn


Tại điểm thi trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thí sinh Phương Thảo (học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) thi khối D lại đánh giá: "Đề thi năm nay không nói về lòng yêu nước nhưng lại nói về cách sống của giới trẻ. Em thấy câu nghị luận xã hội không hẳn là quá hay nhưng nó gần gũi với cuộc sống của chúng em. Còn ở câu nghị luận văn học nhiều bạn sẽ gặp lúng túng khi đọc yêu cầu của câu hỏi".


 Anh Vỹ, học sinh trường THPT Trương Vĩnh Ký, thi tại điểm thi trường THPT Hoàng Hoa Thám thì cho rằng khó nhất là câu đọc hiểu. Vỹ tự đánh giá mình có thể đạt cao nhất là 5 điểm. Vỹ cũng cho biết em thích nhất là câu nghị luận xã hội, đề cập đến sự hèn nhát và tính dũng khí. Theo Vỹ: “Hèn nhát nhu nhược là không đứng lên, không vượt qua được khó khăn. Còn người có dũng khí là luôn cố gắng vượt qua thử thách, thất bại thì đứng lên, vươn cao hơn đến thành công, đạt vinh quang”. Em cho rằng trong cuộc sống, cũng có những lúc em hèn nhát, yếu đuối nên với đề này em không thấy xa lạ mà rất gần gũi.

Đề thi Văn có thể hơi quá sức với học sinh khối Tự nhiên nhưng lại rất “đúng chất” với học sinh khối Xã hội.


Đánh giá về đề thi văn năm nay, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Võ Trường Toản (Q.12), nói: "Đề thi vừa sức học sinh, bám sát chương trình học chủ yếu lớp 12. Đề này học sinh khó làm được điểm khá giỏi. Đề có tính phân loại học sinh ngay phần đọc hiểu có 2 đoạn thì đoạn 2 khó hơn đoạn 1. Nghị luận xã hội mang tính thực tế, nếu học sinh biết vận dụng kiến thức và khéo léo đưa các vấn đề thực tế trong cuộc sống vào bài làm thì rất hay. Còn nghị luận văn học không yêu cầu học sinh thuộc bài, nhưng học sinh phải nhớ được chi tiết, dẫn chứng mới có thể phân tích và đòi hỏi thí sinh phải chú ý phân tích đề thi kỹ. Câu nghị luận văn học mang tính phân loại học sinh nhiều, đề năm nay khó hơn năm ngoái ở câu nghị luận văn học".


Giáo viên ngữ văn Hồ Hoài Khanh, Trường THPT Nhân Việt, nhận định: Đề thi THPT Quốc gia năm 2016 có cấu trúc giống với năm 2015, tuy nhiên đề thi có độ “nặng” hơn, khả năng phân hóa cao hơn và kích thích được sự say mê viết bài của các học sinh yêu văn nhiều hơn đề thi năm ngoái.


Đề thi vẫn có 3 câu hỏi hướng đến phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó, đề đọc hiểu học sinh sẽ làm bài tương đối dễ dàng vì đã được định hướng và ôn tập trước đó. Ngữ liệu đọc hiểu rất hay và không quá đánh đố, dự đoán học sinh sẽ làm rất tốt phần này, đặc biệt là các em học sinh ở TP Hồ Chí Minh vì ngữ liệu đọc hiểu số 2 cũng chính là ngữ liệu trong đề thi mẫu của TP Hồ Chí Minh năm vừa rồi, chắc chắn giáo viên của mỗi trường đều cho học sinh làm thử.


Ở phần nghị luận xã hội hướng đến nghị luận một tư tưởng đạo lí tuy hơi khó viết nhưng sẽ kích thích được sự sáng tạo của học sinh và có khả năng phân hóa tương đối. Đề thi phân hóa rõ nhất ở câu nghị luận văn học, đề cho một nhận định về tình huống truyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân và học sinh phải bình luận để làm rõ. Nghĩa là đề có hướng đi sâu vào học thuật môn Ngữ văn. Với đề thi này, học sinh không có những đơn vị kiến thức về khái niệm “tình huống truyện”, về hệ thống tất cả các nhân vật mà còn phải vận dụng thật tốt những kĩ năng làm văn thì mới có thể đạt điểm tối ưu được. Với đề này là không thể nào học tủ. Đề thi như thế này có thể hơi quá sức với học sinh khối Tự nhiên nhưng lại rất “đúng chất” với môn văn của học sinh khối Xã hội.

Đan Phương
Hình ảnh thí sinh buổi đầu thi THPT Quốc gia 2016
Hình ảnh thí sinh buổi đầu thi THPT Quốc gia 2016

Sáng ngày hôm nay, các thí sinh sẽ bước vào buổi thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với môn Toán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN