Đề thi đảm bảo độ phân hoá cao là cần thiết
Trao đổi về việc đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề thi đã được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm nay. Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng và vận dụng cao. Ma trận này được giáo viên áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đề thi cơ bản ra theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình Trung học Phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không rơi vào phần kiến thức đã được tinh giản.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch COVID-19, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn. Do vậy, đề thi có độ phân hóa là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy - học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua.
Về băn khoăn lộ đề thi Ngữ văn, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, vẫn có xác suất đoán đúng tác phẩm nhưng quan trọng là câu hỏi cụ thể đặt ra với tác phẩm ấy mới là quan trọng. Việc này sẽ khác với các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau này. Bởi với quy định một chương trình, nhiều bộ sách, học sinh học cùng một nội dung kiến thức trong chương trình, nhưng học sách giáo khoa khác nhau với ngữ liệu và tác phẩm khác nhau.
Với vấn đề số lượng thí sinh vi phạm Quy chế, bị đình chỉ thi tăng so với năm 2021, trong đó đa số là do mang điện thoại vào phòng thi (43 thí sinh), ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đây là những trường hợp thí sinh cố tình vi phạm, mặc dù đã được giám thị nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Đánh giá chung về công tác tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Tính đến thời điểm này, kỳ thi đã được tổ chức đảm bảo an toàn, khách quan, công bằng, đúng Quy chế và có chất lượng.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi. Tại Hội đồng thi Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh có thí sinh bị gãy tay, không thể viết được bài đã được Hội đồng thi bố trí người viết bài và thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm thi an toàn nghiêm túc. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi
Kết thúc công tác coi thi, trong những ngày tới, tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai ngay công tác chấm thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra công tác chấm thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục phối hợp kiểm tra các khâu chấm thi của kỳ thi. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc kỳ thi như: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh và xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.