Thiếu giáo viên, trường mầm non chưa thể hoạt động hết công suất

Hà Nội đã cho trường mầm non mở cửa đón trẻ từ ngày 13/4, nhưng đến nay, một số trường mầm non dân lập, tư thục vẫn đang kiện toàn cơ sở vật chất, tuyển giáo viên để đón trẻ trở lại trường.

Video ghi nhận cơ sở giáo dục đang chuẩn bị các điều kiện để đón trẻ trở lại trường:

Nhiều khó khăn

Sau khi trường mầm non được phép mở cửa được hai ngày, chúng tôi đến Cơ sở mầm non Merbaby Eduspa (Khu đô thị Timescity, Minh Khai, Hoàng Mai, Hà Nội) khi các cán bộ, giáo viên của trường đang tất bật dọn dẹp, trang hoàng các phòng học.  

Chị Lưu Minh Hường, chủ cơ sở mầm non Merbaby Eduspa cho biết: “Cơ sở chưa mở lại được chủ yếu vẫn là vấn đề thiếu giáo viên. Gần 1 năm cơ sở đóng cửa, giáo viên của chúng tôi chuyển sang làm công việc khác, về quê. Chúng tôi vẫn có những giáo viên ở lại nhưng để đủ cho tuyển sinh thì chưa. Đặc biệt, chúng tôi thiếu những nhân sự như: văn phòng, nhà bếp hay tạp vụ. Họ đã đi làm ở những nơi khác và không quay trở lại… Ngoài ra, đến nay cơ sở vẫn chưa đón được trẻ là do sự xuống cấp của cơ sở  vật chất. Sau gần 1 năm không hoạt động thì đồ dùng ẩm mốc, hỏng hóc rất nhiều. Trong thời gian quá gấp chúng tôi không kịp xoay sở. Chúng tôi đành phải lùi ngày đón trẻ".  

Một nguyên nhân khiến chị Lưu Minh Hường đưa ra chính là vấn đề tài chính. “Để giữ cơ sở đến ngày hôm nay sau 2 năm COVID-19 thì chúng tôi đã cạn kiệt nguồn vốn. Nếu cơ sở thành lập lâu rồi còn có nguồn tích luỹ, những cơ sở mới như chúng tôi đều rơi vào cảnh nợ nần: Lương, bảo hiểm của giáo viên, thuê cơ sở… Nên khi đi vào vận hành chúng tôi rất thiếu nguồn vốn hoạt động. Chúng tôi cần có sự hỗ trợ, chính sách của Nhà nước để đỡ khó khăn hơn”, chị Lưu Minh Hường chia sẻ.  

“Bên cạnh vấn đề tài chính, Nhà nước nên có sự chuẩn bị về nhân sự ngành mầm non. Trước đây nhân sự đã thiếu nay càng thiếu trầm trọng hơn. Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách thu hút thí sinh thi vào ngành mầm non để có nhân sự nguồn sau này. Chúng tôi không dám tuyển sinh ồ ạt vì tình trạng thiếu giáo viên”, chị Lưu Minh Hường đề xuất.  

Thiếu giáo viên, trường mầm non chưa thể đón đủ học sinh. Những trường mầm non tư thục, dân lập hay những nhóm lớp dù mở cửa trở lại nhưng chưa dám tuyển sinh ồ ạt vì thiếu giáo viên.  Tại Trường Mầm non Vườn Cổ Tích (Quận Cầu Giấy, Hà Nội), tình trạng thiếu giáo viên ở những lớp mẫu giáo lớn diễn ra khá rõ. Bình thường, lớp duy trì 2 - 3 giáo viên đứng lớp nhưng thời điểm này trung bình có 1 - 2 giáo viên/lớp. Thậm chí, có lớp là 1 giáo viên/lớp.

Cô Thu Hiền,  Giáo viên Trường Mầm non Vườn Cổ Tích chia sẻ: “Áp lực với giáo viên đứng lớp tăng lên, có lúc phải bế hai cháu một lúc. Chúng tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để chờ giáo viên mới đến".  

Còn cô Đinh Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vườn Cổ Tích (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường đang rất thiếu giáo viên. Hiện nhiều đơn xin nhập học nhưng trường không dám nhận mà chỉ nhận khoảng 30% học sinh. Lớp mẫu giáo lớn chỉ có 1 giáo viên đứng lớp, lớp bé trường vẫn đảm bảo sĩ số.

“Khi có thông tin được mở lại trường, trường đã tuyển giáo viên trên các nền tảng mạng xã hội nhưng gặp phải nhiều khó khăn. Đó là, có những giáo viên không trụ được với nghề vì nghỉ dịch quá lâu. Mặt khác, khi giáo viên chuyển nghề nhận thấy thu nhập cao hơn và đãi ngộ tốt hơn so với nghề giáo viên mầm non", cô Đinh Thị Nga nói.  

May mắn hơn những trường khác khi Trường Mầm non Tsubaki (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tạm tuyển đủ giáo viên để mở cửa. Tuy nhiên, theo cô Thuỳ Trang, Hiệu trưởng nhà trường thì thời điểm này trường vẫn chưa dám tuyển sinh đồng loạt mà vẫn phải có thời gian tuyển giáo viên và đào tạo mới để đảm bảo chất lượng giáo dục.

“Trong tuần qua, chúng tôi đến nhiều nơi tuyển dụng giáo viên, nhân viên để vận hành trở lại”, cô Thuỳ Trang cho biết.  

Vẫn phải tuyển giáo viên, thậm chí tăng lương cho giáo viên nhưng vẫn chưa thể tuyển đủ, các trường mầm non mới mở lại hoạt động cầm chừng phải đối mặt với các vấn đề khác.  

Theo cô Nguyễn Ngân, chủ nhóm lớp mầm non tư thục Ngôi nhà Tuổi thơ (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), học sinh trở lại trường mới chỉ được một nửa, doanh thu nhà trường giảm xuống. Trong khi đó, trường phải gánh thêm nợ từ trước đây, chi phí thuê nhà tăng như bình thường mới. Đây là những khó khăn lớn mà trường mầm non dân lập, tư thục đang gặp phải.

Nhiều lãnh đạo nhà trường đề xuất việc Nhà nước nên có giải pháp kịp thời với nhân sự giáo viên mầm non là mở những khoá đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho giáo viên mầm non có trình độ trung cấp để có chứng chỉ tham gia vào dạy học. Bởi yêu cầu bắt buộc của giáo viên mầm non hiện nay là bằng cao đẳng.  

Giảm tải hành chính 

Tại quận Ba Đình, đến nay đã có 9 trường, nhóm lớp giải thể do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình thì tỷ lệ trẻ đăng ký đến trường đạt 80%. Nhưng nếu số lượng trẻ đi học đủ trong thời gian tới thì các trường trên địa bàn quận còn thiếu 215 giáo viên.

Theo thống kê của phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, có khoảng 30 - 40% số giáo viên của các nhóm lớp mầm non đang có nhu cầu xin thôi việc. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều quận, nội thành. Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, một số quận đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực cho ngành học này.  

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết, địa bàn có 218/228 nhóm lớp tư thục, tập trung trên 10 phường. Với 10 nhóm lớp giải thể, giải pháp trước mắt là quận đã chỉ đạo các trường mầm non công lập đón nhận các cháu thuộc nhóm lớp này…

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, khó khăn trước mắt là đang thiếu giáo viên tư thục, có những trường hiện thiếu tới 30-40%. Vì vậy, các quận, huyện nhanh chóng rà soát, động viên khích lệ các trường tái ký hợp đồng, tổ chức các sàn giao dịch việc làm để bổ sung đội ngũ giáo viên đã bị thiếu hụt.

Về giải pháp khôi phục hoạt động của nhóm lớp trẻ tư thục, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh Sở GD&ĐT cần tạo điều kiện thuận lợi nhất là khi các trường có nhu cầu thành lập mới, tránh rườm rà về thủ tục hành chính. Nhóm trường này có vai trò quan trọng đóng góp chung cho ngành Giáo dục, giải nhiều "bài toán", đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh. Do đó cần có chủ trương, biện pháp, cơ chế tạo điều kiện, định hướng phát triển trường ngoài công lập.  

Về giải pháp thu hút đội ngũ giáo viên quay trở lại, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các trường công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng để họ có điều kiện tiếp cận.

Một số hình ảnh các giáo viên tự thiết kế lớp học để đón trẻ trở lại trường:

Chú thích ảnh
Trong suốt những ngày qua, giáo viên Trường Mầm non Merbaby Eduspa phải tự chuẩn bị các mô hình đồ chơi.
Chú thích ảnh
Nhiều đồ chơi cũ phải bỏ do hỏng hóc.
Chú thích ảnh
Nhiều giáo viên ở Mầm non Merbaby Eduspa quay lại lúc này do cơ sở duy trì hoạt động kèm trẻ tại nhà trong mùa dịch. 
Chú thích ảnh
Mầm non Merbaby Eduspa đã phải đóng cửa một cơ sở và thiếu đến nửa giáo viên. Mở cửa trở lại nhưng trường không tuyển sinh ồ ạt vì vẫn đợi tuyển dụng giáo viên.

  

Lê Vân-Lê Phú/Báo Tin tức
Học sinh Mầm non, Tiểu học ở Bạc Liêu trở lại trường từ ngày 18/4
Học sinh Mầm non, Tiểu học ở Bạc Liêu trở lại trường từ ngày 18/4

Ngày 14/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ cho học sinh Mầm non, Tiểu học, trở lại trường học trực tiếp từ ngày 18/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN