Thống kê sinh viên có việc làm để giảm thất nghiệp

Một điểm mới trong việc xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu là các trường thống kê việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Nhiều lãnh đạo trường cho biết, đây là một việc khó khả thi.

VẪN ÍT TRƯỜNG LÀM NGHIÊM TÚC

Trước đó, việc thống kê tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường thực hiện và đưa lên website của trường, nhưng nhiều trường vẫn không làm được việc này. Vì vậy, tới thời điểm này, khi được yêu cầu triển khai bài bản, nhiều trường đều bày tỏ lo ngại.

Làm ngay từ năm 2017 là khó

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã có công văn 4806 về việc báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nội dung báo cáo (tính theo ngành đào tạo) yêu cầu nêu rõ: Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra dựa trên 3 chỉ tiêu: Có việc làm, chưa có việc làm, chưa có việc làm và đang học nâng cao; Khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp đang làm việc theo khu vực (khu vực nhà nước, tổ chức tư nhân, liên doanh với nước ngoài); Đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và đưa ra các kiến nghị trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học hoặc những thay đổi khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. 

Đào tạo phải kết nối tốt với đầu ra là tiêu chí để khẳng định chất lượng của các trường. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường sẽ triển khai việc thu thập thông tin, xây dựng và công bố báo cáo về việc làm của sinh viên chính quy, tốt nghiệp bằng thứ nhất (tính từ sinh viên tốt nghiệp năm 2015) trên trang thông tin điện tử của trường. Đồng thời gửi báo cáo (kèm theo phụ lục và minh chứng về phương pháp, quy trình thực hiện báo cáo để phục vụ việc xác thực thông tin) về Bộ GD - ĐT trước ngày 1/1 hằng năm (bắt đầu từ ngày 1/1/2017). Nhưng đến nay, Bộ GD - ĐT vẫn chưa nhận được báo cáo nào từ phía các trường. 

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, việc thống kê này đã được trường triển khai từ trước đó, năm nay sẽ phải làm bài bản hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với sinh viên. “Bấy lâu nay việc kết nối giữa sinh viên đã tốt nghiệp và nhà trường khá manh mún nên với những yêu cầu chi tiết, bài bản như Bộ yêu cầu là khó với nhiều trường. Địa điểm của người đi làm có thể tìm ra được, nhưng chi tiết đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tôi tin sẽ là khó khăn. Cần có những khảo sát quy mô để đánh giá đúng thực trạng”, ông Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết: “Các vấn đề về chỗ làm chúng tôi sẽ nỗ lực liên hệ, sau một năm học sẽ có kết quả. Nhưng đánh giá về mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ phải dụng công rất nhiều. Ví dụ, đối với một số ngành sinh viên ra trường không làm đúng theo chuyên môn mình được đào tạo, ví như rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành biên dịch nhưng ra đi làm hướng dẫn viên. Dù hướng dẫn viên trong quá trình thực hiện cũng dịch, nhưng về ngành thì vẫn là hướng dẫn viên du lịch. Đối với một số ngành như tiếng Nhật, tiếng Hàn thì các em làm khá đúng ngành nghề, dễ khảo sát. Nhưng ngành sử dụng tiếng Anh thì cần có những khảo sát kỹ. Công việc này sắp tới sẽ do Ban truyền thông nhà trường thực hiện. Hiện nay vẫn là các bộ phận kiêm nhiệm từ phòng Công tác học sinh sinh viên, phòng đào tạo thực hiện. Do đó, có thể cần qua mùa tuyển sinh 2017 việc thống kê mới có thể đủ những yêu cầu của Bộ”. 

Tìm giải pháp an toàn 

Để an toàn cho việc xác định chỉ tiêu mùa tuyển sinh năm 2017, nhiều trường đã giữ nguyên chỉ tiêu như năm 2016, hoặc giảm chỉ tiêu bậc đại học để phù hợp với thực tế. 

“Trước mắt, để đảm bảo cho tuyển sinh, trường vẫn không tăng chỉ tiêu đại học trong năm 2017 và chỉ tăng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học. Hai năm qua, trường triển khai hệ thống cổng thông tin của cựu sinh viên ĐH Bách khoa. Từ đây, chúng tôi tiếp tục có những kết nối tới từng khoa, từng ngành, lớp để có thông tin chi tiết”, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết. 

Theo ghi nhận của PV, thời điểm này các trường vẫn đang hoàn thiện báo cáo. Để có giải pháp an toàn trong mùa tuyển sinh tới thì nhiều trường vẫn đề xuất giữ nguyên chỉ tiêu. 

Theo đánh giá của nhiều trường, ở khối các trường ĐH, CĐ chính quy thì chỉ có ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Ngoại thương Hà Nội là hai đơn vị có kết nối với sinh viên tốt nghiệp khá tốt. 

Ông Nguyễn Phong Điền đánh giá: “Đây là hai trường khá năng động trong việc thực hiện các kết nối với sinh viên ngay từ khi các em còn trong nhà trường thông qua các hoạt động kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp”. 

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Để có những kết nối chuẩn xác với sinh viên đã tốt nghiệp, thì ngay từ khi các em còn là sinh viên, chúng tôi đã tạo điều kiện cho các em vào “tầm ngắm” của các doanh nghiệp, công ty, đơn vị có tiếng trong lĩnh vực, ngành học; thông qua các câu lạc bộ nguồn nhân lực, hội chợ việc làm… được trường tổ chức”.

Như vậy, nhiều năm nay các trường vẫn chưa chủ động kết nối với sinh viên sau khi ra trường, ít quan tâm tới hiệu quả của việc đào tạo với xã hội. Nhiều nơi chỉ đào tạo xong là hết trách nhiệm mà chưa thực sự quan tâm xem ngành học được xã hội tiếp nhận ra sao. Nhưng giờ đây, khi trở thành quy định thì các trường phải triển khai bài bản. 
Lê Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN