Nhiều thay đổi nhưng không ảnh hưởng đến thí sinh
Bộ GD - ĐT cho biết, điểm mới đáng lưu ý đầu tiên đối với thí sinh trong xét tuyển đợt 1 là sẽ được đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi; không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi đăng ký xét tuyển; các nguyện vọng của thí sinh được sắp theo thứ tự ưu tiên. Đặc biệt, sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Các thí sinh làm bài thi môn lịch sử tại Hội đồng thi trường Đại học An Giang trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. |
Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường. Đối với các trường, điểm mới quan trọng nhất là có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Một trong những yêu cầu đối với các nhà trường là phải xây dựng đề án tuyển sinh, trong đó, phải công khai các thông tin của nhà trường về điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu); giảng viên, quy mô đào tạo...
Bộ GD - ĐT tiếp tục tạo điều kiện để các trường được tự nguyện phối hợp thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển. Đồng thời, được khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD - ĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường. Để giảm lượng thí sinh ảo, các trường sẽ được nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD - ĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh (nếu được nhiều trường dự kiến trúng tuyển) để giữ lại nguyện vọng cao nhất cho thí sinh.
Quy chế cũng nêu rõ, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Các trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2017, Bộ GD - ĐT sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội: Những điểm mới của quy chế tuyển sinh đại học đều đứng trên quan điểm của người học. Việc cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, không hạn chế số lượng ngành và trường như năm trước sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành, trường mình yêu thích. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì phần mềm xét tuyển của Bộ GD - ĐT phải chạy tốt mà đến nay các trường vẫn chưa rõ về phần mềm xét tuyển này. |
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, những thay đổi này đều được thực hiện theo nguyên tắc và lộ trình hướng tới sự tự chủ trong tuyển sinh của nhà trường và mở rộng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh. Nhà trường từ chỗ tự xác định phương thức tuyển sinh (năm 2015, 2016) tiến đến được tuyển sinh nhiều đợt trong năm (2017). Thí sinh từ chỗ được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng trong một trường (năm 2015), đến chỗ được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng trong 2 trường (năm 2016) tiến đến được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, số trường (năm 2017).
“Quy chế tuyển sinh 2017 cũng đã cho thấy tính ổn định trong thời gian tới, với lộ trình năm nay, Bộ GD - ĐT vẫn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Từ năm 2018 trở đi, các trường phải công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, về việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp và tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình. Do đó, những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh không ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh, nếu không nói đó là những thay đổi ngày càng tốt hơn cho thí sinh”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết.
Sở cũng tham gia vào công tác tuyển sinh
Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh được đăng ký xét tuyển ngay từ lúc đăng ký dự tuyển và các Sở GD - ĐT cũng phải tham gia vào công tác tuyển sinh. Việc này dường như cả thí sinh và các Sở đều chưa quen. Bộ GD - ĐT cho biết, việc thí sinh đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự thi đã được thực hiện từ những năm trước. Việc đăng ký xét tuyển trước hay sau khi biết điểm thi đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định nên năm 2017, quy chế quy định cho thí sinh đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự tuyển và cho các em điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Điều này giúp cho thí sinh vừa có thông tin tham khảo về mức đăng ký xét tuyển để cố gắng phấn đấu, vừa có quyền chốt đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi, nếu cần thiết thì vẫn có cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng. Các trường có thông tin về việc đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng sẽ xác định phương án tuyển sinh phù hợp... Như vậy, quy định mới vừa có lợi cho thí sinh, vừa tốt cho các trường.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi: Quy chế tuyển sinh năm nay rất tiến bộ khi cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, được thay đổi nguyện vọng và thời gian đăng ký dài hơn. Nhưng khi cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng thì các trường sẽ gặp khó khăn trong việc xác định chỉ tiêu trúng tuyển thế nào cho hợp lý. Bởi, xét tuyển trong đợt đầu không khó khăn nhưng đa số giờ các trường đều phải xét đến đợt 2, đợt 3 thì sẽ gặp khó. Vấn đề còn lại vẫn ở khâu kỹ thuật. Điều này sẽ cần có cuộc họp bàn giữa Bộ GD - ĐT và các trường. |
Vai trò của Sở GD - ĐT trong công tác tuyển sinh đã được thực hiện trong vài năm gần đây theo hướng ngày càng tham gia sâu hơn. Năm nay, quy chế quy định Sở có quyền và trách nhiệm phối hợp thực hiện các công việc tiếp nhận đăng ký xét tuyển ban đầu của thí sinh, thu lệ phí, nhập dữ liệu đăng ký xét tuyển ban đầu lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, tiếp nhận điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và nhập dữ liệu điều chỉnh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc Sở tham gia sâu hơn vào công tác tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong việc liên lạc, sửa sai, bổ sung, điều chỉnh đăng ký xét tuyển. Cơ sở dữ liệu về tuyển sinh cũng được các trường và Bộ cập nhật lên phần mềm nhập liệu nên sai sót sẽ được phần mềm báo lỗi. Nếu cần thiết, Bộ sẽ tổ chức tập huấn công tác tuyển sinh. Vì vậy, nhầm lẫn sẽ được giảm thiểu ở mức thấp nhất.
Bộ GD - ĐT cho rằng, để tham gia kỳ tuyển sinh, thí sinh cần xác định ngành nghề mà mình yêu thích (có sở trường, có khả năng và mong muốn được làm việc). Sau đó xác định những trường đang đào tạo ngành nghề đó để lựa chọn từ 1 đến 3 trường phù hợp, một trường ở mức cao hơn khả năng có thể đạt được để phấn đấu, một trường ở mức trung bình, bằng với khả năng của thí sinh và một trường ở mức hơi thấp hơn khả năng để đề phòng rủi ro. Thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển vào ngành của trường trong 2 - 3 năm gần nhất. Tuy nhiên, việc cần nhất là thí sinh phải tập trung học và luyện tập thật tốt để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.