Diễn đàn nhằm giới thiệu các chính sách về hợp tác và đầu tư trong giáo dục, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước tham gia, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong giáo dục của Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế. Việt Nam có nền an ninh chính trị ổn định, hành lang pháp lý trong đầu tư vào giáo dục đã không ngừng được cải thiện. Gần đây nhất, việc ban hành Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cùng các Nghị định quy định về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục... đã thúc đẩy, huy động nguồn lực đầu tư trong giáo dục.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư 4,4 tỉ USD; có 5 cơ sở giáo dục đại học, gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học. Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay, Việt Nam có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các bậc học, qua đó góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục.
Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Việt Nam đã có 3 cơ sở giáo dục được xếp hạng vào danh sách 1.000 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới, 8 cơ sở được xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực..
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhận định, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn tiếp tục thu hút các nguồn lực trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Italy là một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những chính sách của Việt Nam về lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt, Nghị định 86/2018/NĐ-CP đã có những quy định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư trong giáo dục. Với vai trò của mình, Tổng Lãnh sự Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tiềm năng của hai bên tìm hiểu lẫn nhau và đi đến hợp tác hiệu quả trong giáo dục.
Trao đổi tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, nhằm đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Trong đó, các cơ sở giáo dục đào tạo cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu; đẩy mạnh xây dựng chương trình liên kết đào tạo quốc tế, công nhận tín chỉ quốc tế... Riêng với các địa phương, cần đơn giản thủ tục hành chính trong đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đồng thời có chính sách hỗ trợ về đất đai với nhà đầu tư giáo dục...
Tại diễn đàn, các trường đại học của Việt Nam và đối tác từ nhiều nước đã ký 11 thỏa thuận hợp tác đầu trong lĩnh vực giáo dục.