Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kịp thời tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 80-KL/TW để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (các Bộ, ngành), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới; bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phù hợp với nhu cầu xã hội; gắn phổ biến giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Kế hoạch đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; tổ chức triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn trong phạm vi cả nước, có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác phổ biến giáo dục pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đổi mới tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật…
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng phổ biến giáo dục pháp luật về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản; thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với đối tượng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Kế hoạch cũng nêu rõ nội dung về việc đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Khi thực hiện thông tin, phổ biến về các lĩnh vực pháp luật, chuyên đề khác nhau cần gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật; thông tin tới nhân dân về cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, công tác tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật cần hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò chủ trì của các Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể ở cơ sở; lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng và các phong trào vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại…