Thương học trò, cô giáo 9X hết lòng với vùng khó

Sinh ra và lớn lên ở miền núi, cô giáo Lò Thị Thầm (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - PTDTBT - THCS Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) thấu hiểu những khó khăn của học trò vùng khó. Vượt qua những ước mong của tuổi trẻ, cô giáo người dân tộc Thái này nhận ra, mong muốn lớn nhất của cô là học trò người Mông nơi đây bớt nghèo và được đến trường đều đặn.

Video cô giáo Lò Thị Thầm chia sẻ về tình cảm của học sinh Sín Chải dành cho cô nhân dịp 20/11:

Không đầu hàng trước những gian khó

Những đôi chân trần, manh áo cộc, đôi má ửng đỏ của học trò người Mông là hình ảnh quá quen thuộc với cô giáo Lò Thị Thầm.  

Cô giáo Lò Thị Thầm nói: “Tôi cũng sinh ra ở miền núi, là người dân tộc Thái. Vùng khó khăn như Tủa Chùa - nơi tôi đến dạy cách đây 6 năm, đường đi lại khó khăn, thiếu phòng học, nhìn những học trò co ro đứng cạnh nhau giữ ấm bên khung cửa khiến tôi thấy xót xa...”.  

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, cô cử nhân sư phạm ngành Địa lý đặt đơn vào kỳ thi tuyển viên chức của huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Cô Lò Thị Thầm được tuyển dụng vào giảng dạy bộ môn Địa lý tại trường PTDTBT - THCS Sín Chải.  

Ở đây, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường của các em học sinh gian nan. 100% học sinh là con em người dân tộc Mông, trình độ nhận thức hạn chế. Chưa kể, nhiều gia đình khi con vào học cấp II luôn muốn con là nhân lực lao động chính trong gia đình nên bỏ học. Cũng như nhiều vùng sâu, vùng xa khác, thầy cô giáo ở Tủa Chùa vẫn phải vào các bản, làng để tuyên truyền, vận động học trò không bỏ học giữa chừng...

Đến giờ, cô giáo 9X vẫn không thể nhớ hết những tháng ngày vất vả cùng đồng nghiệp vào các thôn bản. Có những lần đi bản, xe bị thủng săm giữa đường, phải gửi xe ở nhà dân. Có lúc, các thầy cô phải lên tận nương để tìm gặp động viên các em.

Nhưng cô giáo Lò Thị Thầm chia sẻ: “Tôi nghĩ mình phải vượt qua khi vẫn còn thấy những học trò phải đi hàng chục km mới tới lớp. Đó là những đêm nhìn học trò chong đèn học với khát khao trở thành giáo viên như thầy, cô. Ở một số thôn bản hiện nay vẫn chưa có điện, điện thoại không có sóng, có khi không thể gọi cho phụ huynh để trao đổi vấn đề liên quan đến các em. Có những đêm học sinh ốm, bố mẹ ở nơi xa không kết nối được, giáo viên là người chăm sóc các em...”.  

Vì thế, cô giáo 9X đã thương học trò, muốn gắn bó với vùng khó, gác lại những khó khăn của bản thân. “Nhà tôi cách trường 100 km, nên tôi phải thuê trọ gần trường. Chồng đi làm xa, khi con 12 tháng tuổi, tôi phải nhờ ông bà chăm sóc. Chỉ cuối tuần mới về nhà thăm con...", cô giáo Lò Thị Thầm cho biết.

Quả ngọt từ những nỗ lực  

Là giáo viên trẻ, cô giáo Lò Thị Thầm luôn tích cực trau dồi kiến thức, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh hiểu bài.  

Trong những năm qua, cô giáo Lò Thị Thầm đã có những sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học như: Hướng dẫn các em sử dụng bản đồ tư duy để học tập môn Địa lý; hướng dẫn các em sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam để học tập, nhằm giúp học trò yêu thích môn học hơn, cảm thấy học Địa lý nhẹ nhàng, không nhàm chán và nhớ lâu hơn.

Năm học 2020 - 2021, đội tuyển của cô giáo Lò Thị Thầm ôn luyện thi học sinh giỏi Địa lý, có một học sinh đạt giải Ba cấp tỉnh và năm học 2021 - 2022, một học sinh đạt giải Nhì cấp tỉnh.

Sau 6 năm giảng dạy, cô giáo Lò Thị Thầm nhận được 2 giấy khen của Đoàn xã Sín Chải; 1 giấy khen của Chủ tịch UBND xã Sín Chải; 4 giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa; 2 năm được Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Năm 2022, cô giáo Lò Thị Thầm là một trong số giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tổ chức dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cô giáo Lò Thị Thầm mong muốn: “Tôi mong ngành Giáo dục tiếp tục có nhiều chương trình ý nghĩa như chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Đây là sự động viên quý báu để mỗi giáo viên không ngừng đổi mới bản thân, vượt qua hoàn cảnh để bám trụ với nghề".  

Khi chia sẻ về học sinh vùng khó trong ngày 20/11, cô giáo Lò Thị Thầm nói: “Món quà ngày 20/11 tặng cô giáo cũng là những gì quý nhất mà các em có. Có khi các em đi bắt cá ở suối mang về tặng cô nhân ngày 20/11. Có những em mang gạo, bông hoa dại... Chúng tôi đều vui trước tình cảm đó...".

Lê Vân/Báo Tin tức
Giáo viên vùng khó gửi tâm tư trong chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô’  
Giáo viên vùng khó gửi tâm tư trong chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô’  

Ngày 16/11, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi gặp mặt thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2022". Tại đây, những tâm tư về nghề giáo, về mong muốn cho giáo dục vùng khó phần nào được giải đáp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN