Việc làm này đã giúp các cháu được tiếp cận với dịch vụ giáo dục cơ bản, tạo cơ hội thực hiện ước mơ trong tương lai.
Động lực để em tới trường
Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình các em ở Đồn Biên phòng Thu Lũm mới thấy, cháu nào cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ, gia đình không đủ điều kiện để cho đi học và nguy cơ “thất học” cao. Cháu Chang Mò Hừ, sinh năm 2006 (dân tộc Hà Nhì) ở bản Á Chè, xã Thu Lũm có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn: Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng, gia đình đông anh em và thuộc diện hộ nghèo. Đứng trước nguy cơ phải nghỉ học, tháng 9/2017, cháu Chang Mò Hừ được các chú Bộ đội Biên phòng nhận nuôi dưỡng, nhờ đó cháu tiếp tục được đến trường.
Chang Mò Hừ tâm sự: “Nhờ các chú bộ đội nuôi dưỡng mà cháu được đi học đến lớp 9 như hiện nay. Ở trong Đồn, cháu được các chú dạy học, dạy gấp chăn, màn và cách chăm sóc rau. Phải mất gần 1 tháng, cháu mới học được cách gấp chăn, màn vuông như các chú. Cháu cũng học từ các chú bộ đội khi giặt quần áo xong không vắt nước mà cứ thế treo lên, làm như vậy, quần áo sẽ ít bị nhăn khi khô. Sau 3 năm sinh hoạt cùng các chú bộ đội, cháu đã quen với nếp sống của một người lính”.
Hai cháu Mạ Đức Mạnh, sinh năm 2006 (dân tộc Hà Nhì) ở bản Ló Na và Vàng Lò Hừ, sinh năm 2007 (dân tộc La Hủ) bản Là Si, xã Thu Lũm, đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Gia đình quanh năm thiếu đói và các cháu đi học không được thường xuyên, nguy cơ bỏ học giữa chừng. Trước khó khăn ấy, năm 2018, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã đón các cháu về chăm sóc, nuôi tại đơn vị.
Đại úy Mạc Duy Dương, Phó Chính trị viên, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Thu Lũm cho biết, từ năm 2009 đến nay, Đồn đã tổ chức đón nhận, nuôi dưỡng, tạo điều kiện ăn học cho 6 cháu tại đơn vị. Hiện 3 cháu trên đang theo học tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm. Những cháu trên, Đồn sẽ nuôi học hết chương trình Trung học cơ sở, sau đó, Đồn tiếp tục chuyển các cháu lên học Trung học phổ thông, vì ở đó có chế độ học nội trú.
Tại Đồn Biên phòng Ka Lăng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè từ năm 2014 đến nay, Đồn đã nhận nuôi 4 cháu; trong đó, có 2 cháu Giàng Khừ Chừ và Pờ Lý Xè đang được Đồn nuôi. Thiếu tá Nguyễn Gia Hiệp, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng cho hay, hai cháu Chừ và Xè, đều sinh năm 2008, ở bản Nhóm Pó, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè. Hoàn cảnh gia đình hai cháu rất khó khăn và thiếu thốn. Trong đó, cháu Chừ có bố mất sớm, mẹ và chị gái sang Trung Quốc lấy chồng, cháu ở với anh trai; cháu Xè cũng có bố mất sớm, cháu ở với mẹ nhưng mẹ cháu đã già không đủ điều kiện để nuôi cháu đi học. Trước nguy cơ không được theo học lên lớp 6, tháng 10/2019, Đồn Biên phòng Ka Lăng đã đón các cháu về nuôi tại Đồn và cho các cháu đi học.
Hằng ngày, ngoài thời gian học tập ở trường, các cháu được nhận nuôi tại Đồn Biên phòng Thu Lũm, Ka Lăng còn tham gia hoạt động cùng với đơn vị như: Buổi sáng tập thể dục; buổi chiều cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị chăm sóc vườn rau, tăng gia sản xuất, quét dọn sân và cắt tóc… nhằm rèn luyện cho các cháu kỹ năng sống, nề nếp sinh hoạt. Buổi tối sau khi ăn xong, các cháu trở về phòng và được các chú Bộ đội Biên phòng kèm học bài.
Từng bước, các cháu đã hòa nhập được với nếp sống của đơn vị, sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng, giờ nào việc ấy như một người chiến sĩ. Mặt khác, các cháu cũng tự tin giao tiếp, ăn, nói lễ phép hơn trước.
Chắp cánh những ước mơ
Các cháu nhận nuôi đều được Đồn Biên phòng Thu Lũm bố trí cho một phòng ở dãy nhà cấp đội, có góc học tập riêng, đồ dùng và phương tiện sinh hoạt đầy đủ. Tới thăm phòng ở của 3 cháu Mạ Đức Mạnh, Chang Mò Hừ và Vàng Lò Hừ, trên chiếc giường, chăn, màn được các cháu gấp phẳng phiu và vuông vắn như chiếc bánh chưng. Góc học tập, sách vở cũng được xếp gọn gàng, ngăn nắp, những bộ đồng phục được treo ngay ngắn trong tủ.
Khi thấy chúng tôi, cháu Chang Mò Hừ lễ phép chào hỏi, nở nụ cười tươi và chia sẻ: “Cháu hiện là học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm. Năm học vừa qua cháu đạt kết quả học tập khá. Cháu ước mơ trở thành chú Bộ đội Biên phòng để được tham gia bảo vệ biên giới, giúp nhân dân phát triển kinh tế. Cháu hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng nuôi dưỡng của các chú bộ đội”.
Trong ba cháu được nhận nuôi, cháu Mạ Đức Mạnh có thành tích học tập tốt nhất. Năm học vừa qua, cháu Mạnh đạt học sinh giỏi. Cháu Mạnh phấn khởi nói: “Ở đây, cháu học được nhiều thứ từ các chú bộ đội như sự ngăn nắp, sạch sẽ, cẩn thận, kiên trì. Cháu cố gắng học tập thật tốt để sau này giống như các chú bộ đội, giúp học sinh nghèo đến trường”.
Vàng Lò Hừ có mơ ước trở thành một cán bộ nông nghiệp để giúp người dân La Hủ ở bản Là Si xóa đói giảm nghèo. Theo cháu Vàng Lò Hừ, bản Là Si nơi cháu sinh ra là một bản xa và nghèo nhất của xã Thu Lũm. Những ngày sống và học tập ở Đồn, được các chú bộ đội giúp đỡ, cháu sẽ chăm chỉ học tập để ước mơ trở thành hiện thực.
Đại úy Cao Văn Quý cho biết, những mơ ước của các cháu là niềm trăn trở của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm. Các cháu khi được nhận nuôi đều có ý thức học tập và có những ước mơ riêng. Nhằm giúp các cháu có điều kiện tốt nhất, Đồn cố gắng tạo mọi điều kiện trong khả năng của đơn vị để biến những ước mơ ấy thành hiện thực.
Để việc học tập, rèn luyện của các cháu đạt hiệu quả, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn thường xuyên động viên, thăm hỏi tình hình học tập của các cháu. Bên cạnh đó giữ mối liên lạc với nhà trường, gia đình và thường xuyên trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện kỷ luật để cha mẹ các cháu yên tâm gửi con tại Đồn. Mặt khác, cán bộ, chiến sĩ gần gũi với các cháu nắm bắt tâm tư, kịp thời động viên, khích lệ các em yên tâm ở lại đơn vị học tập, rèn luyện trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Hai cháu Giàng Khừ Chừ và Pờ Lý Xè được Đồn Biên phòng Ka Lăng nhận nuôi, hiện hai cháu đang học lớp 7B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Ka Lăng. Từ khi được Đồn nhận nuôi, hai cháu cũng có nhiều tiến bộ trong sinh hoạt cũng như học tập. Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Nhung nhận xét: Khi mới vào học năm lớp 6, hai em Chừ và Xè rất rụt rè, nhút nhát, không giao lưu cùng với các thầy cô, bạn bè. Trong học tập nhận thức các em còn chậm, việc đọc, viết cũng chưa nhanh vì tiếng Việt của các em chưa “sõi”. Tuy nhiên, đến đầu năm học mới, hai em có sự thay đổi rõ rệt, nhận thức nhanh hơn, mạnh dạn, tự tin giao tiếp với bạn bè và được các bạn trong lớp quý mến./.
Bài cuối: Tạo sự lan tỏa trong cộng đồng