Đây là một trong những hoạt động chào mừng 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023); đồng thời, tăng cường sự quan tâm, đồng hành của tổ chức Đoàn thanh niên cùng đoàn viên, thanh niên trong lao động, việc làm. Hội thi còn là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho giáo viên đang giảng dạy tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo khối ngoài công lập trên địa bàn Thành phố có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, giá trị đạo đức làm nghề và tôn vinh nghề giáo viên mầm non.
Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh, nét mới của Hội thi năm nay là tăng cường các hoạt động tương tác, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa của Thành phố thông qua hoạt động trải nghiệm “Sông Sài Gòn - Con sông Thành phố tôi” và phần thi thử thách “Khoảnh khắc người ươm mầm”. Hội thi thu hút đông đảo thanh niên, giáo viên mầm non tham gia, theo dõi, sẻ chia kinh nghiệm qua từng vòng thi, góp phần hình thành một sân chơi ý nghĩa, thiết thực cho các giáo viên mầm non khối ngoài công lập giao lưu, học hỏi, thể hiện kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ công tác giáo dục mầm non.
Kết quả chung cuộc, thí sinh Nông Thị Lan, trường Mầm non Bé Yêu (huyện Bình Chánh) xuất sắc đoạt giải Nhất hội thi; giải Nhì được trao cho thí sinh Hoàng Hải Yến, trường Mầm non Vinschool và giải Ba được trao cho thí sinh Huỳnh Nữ Hồng Ngọc, trường Mầm non Việt - Úc.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 2 giải Khuyến khích; 1 giải Tập thể cho trường Mầm non Việt Mỹ có số lượng giáo viên tham gia đông nhất; 3 giải Thử thách “Khoảnh khắc người ươm mầm”; đồng thời trao giấy chứng nhận vinh danh 52 thí sinh đã có nhiều nỗ lực, đầu tư cho từng nội dung thi.
Trải qua 3 mùa chấm thi, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Hội đồng Ban Giám khảo hội thi cho biết, chất lượng hội thi ngày càng nhân cao, trong đó, việc đầu tư, chuẩn bị cho từng nội dung của các thí sinh, giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường khiến cho Ban giám khảo cân nhắc kỹ lưỡng để chấm điểm cho từng thí sinh ngay từ vòng sơ khảo ban đầu.
“Từ kinh nghiệm thực tiễn, vững tay nghề chuyên môn cùng với kỹ năng, năng khiếu, các thí sinh đã thể hiện được năng lực thật sự phong phú, đa dạng tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn cho hội thi và người xem”, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh có năng khiếu, năng lực, sở trường, đầu tư hoành tráng nhưng chưa thể hiện sự nổi bật khiến không thể đạt được số điểm tuyệt đối. Có nhiều thí sinh bài làm hay, sáng tạo nhưng quá cao siêu, khó lĩnh hội, nhất là khi áp vào đối tượng mầm non, không phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, ngành giáo dục mầm non trước tiên phải dạy đúng rồi đến dạy hay; giáo viên mầm non giỏi đòi hỏi phải có chuyên môn vững và có nhiều kỹ năng, kể cả kỹ năng ứng xử và nghệ thuật ứng xử. Mỗi giáo viên còn là hình mẫu cho các cháu trong quá trình phát triển về thể chất, trí tuệ và cả tâm hồn...
Là một trong những thí sinh vào vòng Chung kết xếp hạng, thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Nhung, trường Mầm non Khiết Tâm (thành phố Thủ Đức) không giấu được lo lắng, song phần nào cũng yên tâm bởi kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ và cả sự cổ vũ, động viên từ Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh của trường.
"Tham gia hội thi, em cũng như các thí sinh đều nỗ lực hết mình. Đây cũng là dịp để em ôn lại những kiến thức lý thuyết đến kỹ năng thực hành sư phạm, giáo dục mầm non; đồng thời, còn là cơ hội học hỏi từ các thí sinh, đồng nghiệp khác để cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình giảng dạy sau này", Quỳnh Nhung chia sẻ.
Trước đó, tại vòng sơ khảo với chủ đề “Vững nghiệp vụ, giỏi chuyên môn”, 360 thí sinh đã trải qua bài thi trắc nghiệm có các nội dung liên quan đến kiến thức chuyên ngành giáo dục mầm non; kỹ năng nghề (chăm sóc trẻ, tổ chức hoạt động giáo dục trẻ, lập kế hoạch giảng dạy); kỹ năng trong giao tiếp ứng xử với trẻ, đồng nghiệp và phụ huynh. Ban tổ chức đã chọn ra 52 thí sinh xuất sắc vào vòng bán kết với chủ đề “Vui học cùng bé” thực hiện 1 video clip ghi lại hoạt động giáo dục trẻ, trải nghiệm những giờ lên lớp tại trường.
Tại vòng chung kết có 21 thí sinh tiếp tục tranh tài ở phần thi “Năng khiếu người ươm mầm” và phần thi “Bản lĩnh người ươm mầm” thông qua hoạt động trả lời câu hỏi, thể hiện khả năng ứng biến, xử lý tình huống cụ thể gắn với hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn của ngành sư phạm mầm non.